Cập nhật ngày: 21/01/2025 10:57:21
ĐTO – Năm học 2024 – 2025, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh Trung học (viết tắt là Cuộc thi) và Ngày hội STEM luôn được học sinh cấp THCS, THPT mong đợi. Tham gia Cuộc thi, các em sẽ mang các Dự án (DA) thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ đến trưng bày, thuyết trình trước Ban Giám khảo và giành suất đại diện tỉnh Đồng Tháp dự thi cấp Quốc gia. Cùng với đó, các mô hình trưng bày trong Ngày hội STEM của đại diện các đơn vị trong tỉnh đã góp phần làm cho sân chơi càng thêm sôi động.
Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn khen thưởng các tác giả đạt giải Nhất tại Cuộc thi
Nhiều Dự án mới
Từ tháng 11/2024, các hoạt động liên quan đến Cuộc thi được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các đơn vị trường tập trung chuẩn bị. Trong đó, Ban Giám hiệu, giáo viên chọn các em học sinh có năng khiếu, có niềm yêu thích nghiên cứu khoa học và học lực xếp loại khá để chuẩn bị cho việc đầu tư các DA. Ban Giám hiệu nhà trường đã phổ biến đến giáo viên, học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng, vai trò và ý nghĩa của việc nghiên cứu KHKT, giáo dục STEM trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời cử giáo viên hướng dẫn, định hướng học sinh lựa chọn các DA thiết thực, có tính khả thi cao, dễ ứng dụng, phù hợp với lứa tuổi, năng lực, sở trường của các em.
Thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường trong tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, đầu tư nhiều DA, nghiêm túc lựa chọn các DA tốt để tham dự vòng thi cấp tỉnh. Với DA “Văn hóa giao thông của học sinh Trường THPT Tràm Chim nhìn từ thực trạng và giải pháp” của đơn vị Trường THPT Tràm Chim (huyện Tam Nông) đã thu hút sự quan tâm của Ban Giám khảo Cuộc thi bởi tính thực tế, ý nghĩa tích cực.
Thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi nghe học sinh thuyết trình về Dự án
Em Đào Ái Linh – học sinh Trường THPT Tràm Chim, chia sẻ: “Văn hóa giao thông là một vấn đề “nóng” được đưa ra bàn luận nhiều trong thời gian gần đây. Giáo dục văn hóa giao thông trong nhà trường có vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết về ý thức cho mỗi học sinh khi tham gia giao thông. Trong quá trình thực hiện DA, nhóm chúng em tập trung đi sâu vào các biện pháp, hoạt động trải nghiệm giúp học sinh thực hiện tốt nét đẹp về văn hóa giao thông. Từ đó, nâng cao sự hiểu biết và hình thành ý thức tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Mỗi học sinh sẽ có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật”.
Cùng các đơn vị trường trong toàn tỉnh, học sinh TP Sa Đéc tham gia Cuộc thi với DA khá ấn tượng khi đề cập đến việc khuyến khích học sinh đọc sách. Em Trần Hà Nhựt Anh – học sinh lớp 12A13, Trường THPT TP Sa Đéc, cho biết: “Trong quá trình chuẩn bị Cuộc thi, em và bạn cùng nhóm lựa chọn DA “Nâng cao kỹ năng đọc hiểu văn bản và khơi gợi sự hứng thú cho học sinh THPT qua việc viết nhật kí đọc sách”. Để DA hoàn thiện, các thầy, cô giáo ở trường hướng dẫn chúng em từ khâu tham khảo các tài liệu, xây dựng đề cương và thực hiện khảo sát thu thập thông tin. Chính sự hỗ trợ đó đã giúp chúng em tự tin dự thi tại Vòng chung kết cấp tỉnh. Chúng em có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các bạn đến từ nhiều trường trong tỉnh có cùng niềm yêu thích nghiên cứu KHKT và luôn tự tin, sáng tạo, quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực…”.
Đảm bảo chất lượng các DA dự thi, Sở GD&ĐT mời chuyên gia đến từ các trường Đại học tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp; mời đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; Tỉnh đoàn… đánh giá các DA của học sinh. Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tạo điều kiện cho giáo viên triển khai phương thức giáo dục STEM; học sinh sử dụng các phòng thí nghiệm, thư viện và tiếp cận các nguồn tài liệu khoa học. Sở GD&ĐT chuẩn bị chu đáo địa điểm để học sinh trưng bày các DA. Các em thoải mái vẽ các poster giới thiệu sản phẩm và trang trí cho gian trưng bày.
Học sinh Trường THPT Tràm Chim, huyện Tam Nông với Dự án “Văn hóa giao thông của học sinh Trường THPT Tràm Chim nhìn từ thực trạng và giải pháp”
Động lực cho niềm đam mê
Sự chuẩn bị kỹ từ Sở GD&ĐT cùng với học sinh đã được Ban Giám khảo Cuộc thi đánh giá cao. Đại diện Ban Giám khảo Cuộc thi, Tiến sĩ Nguyễn Kim Búp – Phó Trưởng khoa Khoa học tự nhiên (Trường Đại học Đồng Tháp), cho biết: “Tất cả DA dự thi thể hiện những ấp ủ về ý tưởng và thời gian, công sức của học sinh và giáo viên hướng dẫn, biến những ý tưởng sáng tạo trở thành những DA dự thi đầy tâm huyết. Trong đó, nhiều DA thể hiện được tính khoa học, sáng tạo; nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, giàu tính nhân văn, có tính ứng dụng thực tiễn cao. Trong quá trình chấm thi, các thành viên Ban Giám khảo hoàn toàn bị thuyết phục bởi sự tự tin, bản lĩnh, sự cầu thị của các em học sinh. Bên cạnh kết quả tích cực, Cuộc thi vẫn còn DA chọn vấn đề nghiên cứu quá lớn, vượt tầm của học sinh; các thí nghiệm phần lớn dừng ở mức định tính (cảm tính), bố trí thí nghiệm chưa khoa học, câu hỏi nghiên cứu, kết quả nghiên cứu chưa tương đồng; một số ít DA bị trùng lặp…”.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, Ban Tổ chức Cuộc thi đã chọn 76/108 DA xuất sắc để trao giải. Vui mừng khi đạt giải Nhất Cuộc thi với DA “Xây dựng hệ thống thu gom và nhận diện vật thể chai nhựa thông qua YoloV8”, em Đặng Trí Toàn – học sinh Trường THPT Trường Xuân (huyện Tháp Mười), cho biết: “Trong quá trình chuẩn bị Cuộc thi, chúng em gặp nhiều khó khăn khi tìm ý tưởng và vô tình phát hiện đề tài ngay tại ngôi trường mình đang học. Từ đó, thôi thúc em và các bạn tìm giáo viên hỗ trợ, hướng dẫn hiện thực hóa ý tưởng thành DA dự thi. Em nghĩ, khi thực hiện DA, điều quan trọng là cần rèn luyện, trau dồi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức. Đặc biệt phải biết ứng dụng công nghệ thông tin, viết báo cáo trình bày ý tưởng đầy đủ, hấp dẫn giúp mọi người có thể dễ dàng hiểu được mục tiêu mà mình muốn hướng đến. Quan trọng hơn hết, mỗi học sinh cần thể hiện tinh thần quyết tâm cao, cố gắng hết khả năng để thực hiện kế hoạch đề ra, để DA đạt kết quả tốt nhất. Thành tích này là sự khích lệ để em tự tin hơn khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học tìm ra những giải pháp ứng dụng cao trong thực tiễn học tập và đời sống”.
Bên cạnh đó, các đơn vị tham dự Ngày hội STEM đã mang đến những mô hình thể hiện sự chuyển đổi số trong giáo dục; phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung; bài giảng điện tử, học liệu đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử.
Học sinh đại diện huyện Lấp Vò tham dự Ngày hội STEM
Ông Nguyễn Thanh Danh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đánh giá: “Cuộc thi được các Phòng GD&ĐT, các trường THPT tích cực chuẩn bị và mang đến những DA chất lượng, đa dạng nhiều lĩnh vực. Các DA được chọn và đánh giá cao thể hiện khả năng nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức được học vào cuộc sống một cách sáng tạo, độc đáo của các em học sinh. Chúng tôi kỳ vọng, sau Cuộc thi, việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM, đào tạo khởi nghiệp, hướng nghiệp sẽ được các trường quan tâm thực hiện tốt và đạt hiệu quả cao hơn, góp phần tích cực cho việc chuẩn bị thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ban Tổ chức Cuộc thi kêu gọi các ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu và bảo trợ các DA đạt giải, những DA tiềm năng giúp học sinh có điều kiện tiếp tục phát triển hoàn thiện DA đưa vào hiện thực cuộc sống”.
Cuộc thi KHKT học sinh Trung học và Ngày hội STEM tỉnh Đồng Tháp năm học 2024 – 2025 đã mang đến cơ hội tốt để các em học sinh trải nghiệm, phát huy trí tuệ và năng lực sáng tạo của bản thân, từng bước hình thành các kỹ năng, năng lực chuyên biệt. Điều này tạo động lực giúp các em học sinh làm quen với công tác nghiên cứu khoa học và hình thành những bước đi đầu tiên cho hành trình khởi nghiệp trong tương lai. Đặc biệt, Ngày hội STEM với các gian hàng được trưng bày đã chứng minh sự nhanh chóng bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng STEM của ngành GD&ĐT Đất Sen hồng.
P.L
Nguồn: https://baodongthap.vn/khoa-hoc/san-choi-thu-vi-danh-cho-hoc-sinh-dam-me-khoa-hoc-128742.aspx