Cập nhật ngày: 16/01/2025 11:00:14
ĐTO – Theo Bảo tàng Đồng Tháp, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng nhiều hình thức khác.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Đờn ca tài tử Nam bộ; Hò Đồng Tháp; nghề đóng xuồng, ghe Long Hậu (xã Long Hậu, huyện Lai Vung); nghề dệt choàng Long Khánh A (huyện Hồng Ngự); nghề dệt chiếu (xã Định Yên và xã Định An, huyện Lấp Vò); nghề làm nem Lai Vung (xã Tân Thành và thị trấn Lai Vung); nghề làm bột gạo Sa Đéc (xã Tân Phú Đông và Phường 2, TP Sa Đéc). Trong đó, có 1 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Đờn ca tài tử Nam bộ).
Hoạt động tuyên truyền Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cho đoàn viên, thanh niên tại Bảo tàng Đồng Tháp
Thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Đồng Tháp đã phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản, cũng như quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đồng Tháp, hình ảnh du lịch đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Đất Sen hồng.
Bà Phan Thị Vũ Quyên – Giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp, cho biết: “Nhằm cụ thể hóa các kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, Bảo tàng Đồng Tháp chú trọng đẩy mạnh thực hiện công nghệ số trong quảng bá di sản thông qua hệ thống mạng, trang Website Bảo tàng. Cùng với đó, thực hiện các bảng tra cứu dữ liệu di sản QR; tổ chức thường xuyên các cuộc sưu tầm tư liệu, hiện vật; tổ chức trưng bày, giới thiệu các hiện vật phục vụ hàng ngàn du khách trong và tỉnh đến nghiên cứu, tham quan”.
Bảo tàng Đồng Tháp phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức truyền dạy, trình diễn Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp cho viên chức, người lao động, người dân, nhất là du khách trong và ngoài địa phương. Đặc biệt tổ chức nhà trưng bày “Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo – những giai điệu cuộc đời” về tư liệu hình ảnh, nhạc cụ, dụng cụ trong suốt cuộc đời hoạt động đờn ca tài tử của Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo; tổ chức tuyên truyền, quảng bá trong học sinh cấp THCS thông qua Liên hoan “Em yêu làn điệu quê hương” tại Bảo tàng Đồng Tháp; tổ chức lớp truyền nghề (Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp, nghề dệt chiếu, nghề làm nem…) cho cơ sở đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần tạo nguồn lực kế thừa, tạo việc làm và tăng thu nhập, nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy di sản; quảng bá du lịch và hình ảnh địa phương trong, ngoài nước. Năm qua, du lịch Đồng Tháp đón 4,3 triệu lượt khách (tăng 6,69% so với năm 2023), tổng thu du lịch ước đạt 2.170 tỷ đồng (tăng 14,21% so với cùng kỳ năm trước). Năm 2025, du lịch Đồng Tháp phấn đấu thu hút 5 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có 60.000 khách quốc tế.
Tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Bảo tàng Đồng Tháp sẽ triển khai một số nội dung quan trọng như: phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị và ý nghĩa của di sản qua các chương trình học, hội thảo, triển lãm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy di sản. Đẩy mạnh thực hiện sưu tầm, số hóa các bài bản, đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp, làm cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Hò Đồng Tháp. Ngoài ra, phối hợp tổ chức đào tạo và hỗ trợ các nghệ nhân, người giữ gìn di sản, đặc biệt là tạo cơ hội cho họ được tôn vinh, công nhận và có điều kiện phát huy tài năng, truyền nghề cho thế hệ sau. Quan tâm công tác giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể trên nền tảng công nghệ số; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch để giao lưu, kết nối di sản văn hóa phi vật thể giữa các vùng miền trên cả nước. Đồng thời kết nối di sản văn hóa phi vật thể với ngành du lịch để thu hút du khách, vừa quảng bá di sản, vừa tạo nguồn thu cho cộng đồng địa phương.
DŨNG CHINH
Nguồn: https://baodongthap.vn/van-hoa/phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-sau-khi-duoc-ghi-danh-128612.aspx