Nước tràn đồng, nông dân phấn khởi
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, sáng 17/9, tại một số huyện như Thoại Sơn, An Phú, Tịnh Biên… của tỉnh An Giang, nước đã vàng đục và tràn vào hết các cánh đồng.
Hơn hai tuần nay, ngày nào gia đình ông Trần Văn Ba (ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) cũng thức dậy và ra đồng từ sáng sớm để thu hoạch dớn (loại dụng cụ bắt cá – PV).
“Năm nay nước lên sớm hơn mọi năm, nguồn cá, tôm nhiều nên công việc mưu sinh khá tất bật.
Từ hôm nước tràn đồng đến nay, ngày nào gia đình tôi cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng từ 30 cái dớn bắt cá. Gia đình tôi rất phấn khởi về con nước năm nay”, ông Ba lạc quan nói.
Bên cạnh các đê bao khép kín sản xuất ba vụ, các cánh đồng xả lũ ở xã Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Phú Hội, huyện An Phú nước đã ngập rất sâu.
Những địa phương này được coi là rốn lũ, đa số người dân nơi đây đều theo nghề “bà cậu” (nghề câu, lưới).
Và ở miền Tây, mùa lũ vẫn được gọi là mùa nước nổi, bới nước dâng cao nhưng yên ả, và người dân đã thích nghi với nó…
Nhiều nông dân cho biết những cánh đồng xả lũ là nơi tập trung rất nhiều cá, tôm tự nhiên từ đồng ruộng theo con nước đổ ra các nhánh sông.
Những ngày này, người dân tất bật khai thác, đánh bắt thủy sản để kiếm thêm thu nhập.
Bà Năm Nhỏ (53 tuổi, ngụ xã Nhơn Hội, huyện An Phú) chia sẻ: “Nước tràn đồng nên một số loài cá tự nhiên theo dòng nước đổ ra các nhánh sông.
Vì vậy, gia đình tôi mang ghe rong ruổi đánh bắt trên dòng sông giáp biên giới.
Khi nước rút, chúng tôi mới trở về nhà. Mấy hôm nay gia đình đã đặt hơn chục cái dớn rải đều, kiếm được mỗi ngày khoảng 300.000 đồng”, bà Năm Nhỏ bộc bạch.
Theo chân nông dân bắt cá tôm
Hơn 6h sáng 17/9, chúng tôi lội nước theo ông Nguyễn Văn Trường (ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đi gỡ lú (dụng cụ dùng để bắt cá – PV).
Đồ nghề ông mang theo trên chiếc xuồng (được đóng bằng ba mảnh ván phẳng đẹp và chắc) chỉ là cái thau nhựa để đựng cá.
Trước khi lên xuồng, ông Trường chỉ về hướng tây (nơi giáp xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn) bảo rằng: “Trên kia là nơi chú đặt 10 cái lú, thời điểm này nước lớn tràn đồng, hy vọng có nhiều tôm cá”.
Đến một điểm, ông Trường dừng xuồng rồi nhảy nhanh xuống nước lội bộ, tay kéo xuồng đi chầm chậm đến mấy cái lú.
Ông cẩn thận đưa hai tay xuống nước gỡ lú thì nghe tiếng lụp bụp.
“Cá tôm cũng nhiều đấy”, vẻ mặt ông vui mừng khi thấy “chiến lợi phẩm” đầu tiên.
“Dự đoán là cá năm nay sẽ ít nhưng đặt lú cũng thấy nhiều cá hơn năm ngoái, chỉ có tép là năm nay ít thôi.
Việc đặt lú cũng đơn giản, chiều đặt rồi sáng hôm sau đi giở, nói chung thu nhập cũng đỡ hơn việc đi làm thuê cho người ta”, ông Trường cho biết.
Cũng theo ông Trường, nghề đặt lú bắt cá đồng thường chỉ kéo dài khoảng một tháng. Khi những cánh đồng được xới đất xong thì nghề đặt lú bắt cá đồng không còn hiệu quả nữa.
Và khi đó, bà con nông dân trở lại với nghề nông, làm đất, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị đất xuống giống vụ lúa đông xuân – vụ lúa quan trọng nhất trong năm.
Tương tự, anh Lê Văn Cầu (ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) lại dọn lưới, đồ đạc sinh hoạt cá nhân lên xuồng để đánh bắt thủy sản.
Dụng cụ đánh bắt của anh là khoảng 100 tay lưới có mắc lưới thưa để đặt bắt cá chạch, tôm tép đồng. Đây là nghề đã theo anh mấy chục năm nay kể cả mùa khô lẫn mùa nước nổi.
“Con nước tràn đồng là thời điểm tôi kiếm cơm lai rai từ 500.000-700.000 đồng mỗi ngày. Khi nước tràn đồng thì tôi luôn đặt gần nhà nên tiết kiệm được chi phí xăng dầu đi lại”, anh Cầu nói.
Nhộn nhịp chợ cá, tôm
Trở lại ấp Bắc Đai (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cách biên giới Campuchia chưa đầy 1km, PV ghé vào một vựa thu mua cua, ốc.
Tại đây, hàng chục công nhân khuân vác, phân loại, đóng thùng… nói chuyện rôm rả tạo nên không khí nhộn nhịp.
Dưới sông, các vỏ lãi chở cua, ốc thu mua của người dân đánh bắt ngoài đồng và từ Campuchia chở sang đậu san sát chờ đưa lên bờ.
Tại chợ Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) vào khoảng 11-14h mỗi ngày đều nhộn nhịp cảnh mua bán cá, tôm.
Thời điểm này, người dân từ Campuchia chạy vỏ lãi chở tôm cá, cua, ốc… sang bán. Người dân địa phương đánh bắt trên đồng cũng mang đến vựa để bán.
Sau đó chủ vựa phân phối cho bạn hàng chở đi các chợ trong và ngoài địa bàn tỉnh tiêu thụ.
Một cán bộ UBND xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết mùa lũ năm nay được dự báo sẽ là một mùa lũ đẹp.
“Mùa nước nổi ở An Giang không như những nơi khác, con nước nơi đây hiền hòa mang theo tôm cá, sản vật dồi dào giúp một bộ phận dân nghèo chuyên sống bằng nghề đánh bắt trong mùa lũ có thêm sinh kế, thu nhập”, người này nói.
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường rằm tháng 8 âm lịch nên mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh.
Khoảng ngày 21 đến 22/9, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu, Châu Đốc có khả năng lên trên mức báo động từ 0,1-0,2m
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh lũ năm tại tại miền Tây khả năng xuất hiện từ ngày 17 đến 21/10.
Từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12, mực nước tại các trạm sẽ xuống nhanh và chuyển sang chế độ triều cường.
Hiện nay, mực nước sông Mê Kông đang lên nhanh. Mực nước tại một số trạm chính như sau: Mukdahan (Thái Lan) 11,01m, Pakse (Lào) 10,8m, Stung Treng (Campuchia) 9,06m, Phnom Penh Port (Campuchia) 6,15m, Phnom Penh Bassac (Campuchia) 7,4m. Do đó trên hệ thống sông này sẽ có lũ.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau đó nên khu vực thượng nguồn những ngày qua có mưa lớn, tích nước nhiều.