Cập nhật ngày: 02/01/2025 05:07:05
ĐTO – Diện mạo quê hương huyện Thanh Bình ngày càng có nhiều sự thay đổi, bộ mặt nông thôn mới khởi sắc là nhờ sự nỗ lực không ngừng của nông dân. Nông dân trên địa bàn huyện thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống.
Nông dân huyện Thanh Bình tham gia Hội thảo mô hình sản xuất lúa tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc
ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc xây dựng chi hội, tổ hội nông dân, Hội Nông dân huyện Thanh Bình chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Cụ thể, thông qua các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, Fanpage, Hội Nông dân huyện tổ chức thông tin, tuyên truyền xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh; đồng thời tăng cường tuyên truyền, lồng ghép vào các đợt sinh hoạt chi hội, tổ hội những nội dung gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), Tổ hợp tác, Hợp tác xã.
Câu lạc bộ (CLB) nông dân với Internet ở ấp Tân Thuận A, xã Tân Phú thành lập có quy chế hoạt động, họp lệ hằng tháng nhằm tạo điều kiện cho các thành viên nắm được các thông tin hữu ích trong cuộc sống cũng như trong sản xuất. CLB thông tin cho các thành viên biết về các mô hình mới, cách làm ăn có hiệu quả mang lại kinh tế cao. Ông Phạm Văn Trú – Chủ nhiệm CLB nông dân với Internet, cho biết: “Thông qua các buổi sinh hoạt, CLB tuyên truyền sâu rộng cho hội viên, nông dân nắm để chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương của chính quyền địa phương. Cùng với đó, thường xuyên chia sẻ thông tin tích cực trong tiếp cận kiến thức trên Internet, mạng xã hội, kinh nghiệm sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh, thương mại điện tử, tra cứu thị trường nông sản. Sau khi hội viên tham gia CLB, nhất là thông qua nhóm Zalo, tất cả hội viên sẽ trực tiếp chia sẻ những kiến thức, thông tin về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet cho nhiều hội viên nông dân khác. CLB hướng dẫn cài đặt App Nông dân Việt Nam và vận động thành viên tham gia Cuộc vận động “Hội viên nông dân trở thành Người nông dân chuyên nghiệp” cho 100% thành viên và người thân thành viên trong CLB”.
Thông qua nhiều kênh thông tin, tuyên truyền, Hội Nông dân huyện phổ biến kiến thức sản xuất kinh doanh, quảng bá nông sản, giới thiệu thị trường tiêu thụ, quảng bá hình ảnh địa phương, cùng ngành nông nghiệp thực hiện có hiệu quả các dự án nông nghiệp có vốn đầu tư. Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động xây dựng NTM, cử cán bộ và chi hội quán triệt, phát động cuộc vận động hội viên nông dân trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” do Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Vận động hội viên, nông dân cam kết sản xuất an toàn, tố giác, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trong buôn bán, vận chuyển, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; vận động đăng ký mã vạch, cấp mã số vùng trồng.
Ông Nguyễn Văn Kẹm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Bình, cho biết: “Hội Nông dân huyện phân công Ủy viên phụ trách các cụm thi đua, tham gia các cuộc họp Ban Chấp hành, chi, tổ hội định hướng công tác. Hội Nông dân các cấp trong huyện tham gia tích cực vào các phong trào của Hội và địa phương phát động bằng nhiều hình thức, nội dung để khẳng định vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội như: đăng ký đảm trách phần việc xây dựng NTM về tiêu chí môi trường, nhà ở, hình thức tổ chức sản xuất; làm đầu mối liên kết tiêu thụ nông sản”.
Mô hình sản xuất lúa tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc tại xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình
TẬP HỢP ĐÔNG ĐẢO NÔNG DÂN
Chỉ trong năm 2024, các cấp Hội trên địa bàn huyện Thanh Bình vận động gần 13.000 hộ đăng ký thực hiện danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, vận động hơn 11.500 hội viên, nông dân đăng ký “Sản xuất, kinh doanh giỏi” và thực hiện Cuộc vận động “Hội viên nông dân trở thành Người nông dân chuyên nghiệp”. Trên địa bàn huyện, có nhiều Tổ hùn vốn xoay vòng hỗ trợ cho hội viên vay vốn, với mục đích sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình và vận động hùn vốn để xây dựng nhà cho hội viên.
Tổ hùn vốn xoay vòng của Hội Nông dân xã Bình Tấn thành lập năm 2018, với 14 thành viên; hằng năm, sau khi thu hoạch xong 2 vụ lúa, các thành viên góp vốn 10 triệu đồng/vụ. Tổ hùn vốn đã giúp nhiều thành viên có thêm vốn để cất nhà, thuê đất, mua con giống chăn nuôi. Thấy được hiệu quả từ mô hình này, nhiều hội viên tự nguyện xin tham gia, đến nay, toàn xã duy trì được 11 Tổ hùn vốn xoay vòng với 153 thành viên. Trong năm 2024, có 22 thành viên nhận vốn với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng, đã xây dựng mới được 3 căn nhà, với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng; có 8 thành viên sử dụng số vốn để thuê đất trồng lúa, sửa chữa nhà và mua sắm tài sản, với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Tho – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tấn, chia sẻ: “Từ mô hình hùn vốn xoay vòng giúp nhiều hội viên xây dựng được căn nhà mới khang trang, thuê thêm được đất để sản xuất và lo cho con ăn học tập, giúp hội viên vươn lên khá giàu. Điển hình trong nhiều năm qua đã có nhiều thành viên tận dụng vốn để xây dựng nhà, mỗi căn nhà trị giá trên 500 triệu đồng trở lên”.
Hội Nông dân huyện thực hiện hiệu quả và nhân rộng mô hình “Nhà sạch – Đường sạch – Đồng ruộng sạch”, với hơn 100 thùng phuy chứa rác thuốc bảo vệ thực vật tại các xã: Tân Phú, Tân Long, An Phong, Bình Tấn; tổ chức truyền thông, ra quân thu gom, tập kết, tiêu hủy trên 6,4 tấn rác thuốc bảo vệ thực vật. Từ các nguồn lực xã hội, đã làm mới, nâng cấp, phát quang hơn 17km đường nông thôn, trồng 3.700 cây xanh, lắp 140 bóng đèn năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, các cấp Hội hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp như: “Sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn”; “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”; Chi hội Nông dân “Nhà sạch – Đường sạch – Đồng ruộng sạch”; “Sản xuất xanh – tuần hoàn”…
Tổ chức giải ngân nguồn vốn tín dụng cho nông dân xã Tân Long, huyện Thanh Bình
Hội Nông dân xã Tân Long đã triển khai mô hình “Sản xuất xanh – tuần hoàn” được cho là giải pháp hữu hiệu hiện nay nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả trong canh tác, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững. Ông Lê Thanh Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long, cho biết: “Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi, hằng năm, xã Tân Long có hàng trăm hécta hoa màu cùng với các loại cây ăn trái được nông dân trồng trọt, cung cấp thị trường. Hội Nông dân xã phối hợp với UBND xã thành lập Tổ hợp tác “Liên kết và tiêu thụ rau màu cho hội viên” trên địa bàn xã, với 14 thành viên tham gia trồng ớt theo hướng hữu cơ và được đầu tư các trang thiết bị phục vụ sản xuất, bố trí các hố chứa rác thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo môi trường sản xuất”.
Ông Nguyễn Văn Kẹm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Bình, cho biết: “Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện vận động hội viên, nông dân tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã, xúc tiến thành lập các Tổ hợp tác. Bên cạnh đó, Hội vận động nông dân thành lập các mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với liên kết tiêu thụ; huy động các nguồn lực chăm lo cho hội viên, nông dân nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Cấp Hội đăng ký thực hiện các phần việc xây dựng nông thôn mới năm 2025. Trong đó, vận động hội viên, nông dân hiến đất, góp kinh phí, ngày công lao động tham gia xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn”.
Với sự đổi mới phương thức hoạt động và đoàn kết, sáng tạo của hội viên, nông dân đã góp phần xây dựng huyện Thanh Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới, giàu đẹp, văn minh.
DƯƠNG ÚT – KIỀU TRANG
Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/nong-dan-dong-hanh-cung-su-phat-trien-que-huong-128283.aspx