Vựa hoa của miền Tây
Những ngày cận Tết Nguyên đán, làng hoa Sa Đéc (TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) như khoác lên mình một tấm áo mới rực rỡ sắc màu. Không khí nơi đây trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, khi các hộ dân tất bật chăm sóc, cắt tỉa từng luống hoa, từng chậu kiểng để chuẩn bị cho mùa vụ bội thu.
Có truyền thống trồng hoa hơn một thế kỷ, làng hoa Sa Đéc được mệnh danh là nơi tập trung của những vựa hoa lớn nhất miền Tây Nam Bộ, thậm chí, là lớn nhất toàn quốc. Ước tính, diện tích trồng hoa tại đây lên đến cả nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các ở xã Tân Khánh Đông (324 ha) và phường Tân Quy Đông (320 ha). Nhờ bàn tay chăm sóc cần mẫn của người dân, những cánh đồng hoa trải dài mênh mông, đua nhau khoe sắc.
Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: Minh Anh) |
Đặc trưng của làng hoa Sa Đéc là việc trồng hoa trên các dàn cao bắc trên ruộng nước. Cách trồng này vừa tận dụng được diện tích, vừa thuận tiện cho việc tưới tiêu và vận chuyển. Nhờ đó, hoa luôn tươi tốt và có chất lượng cao.
Sản phẩm của làng hoa Sa Đéc rất đa dạng, có khoảng 2.000 chủng loại hoa, kiểng; trong đó, kiểng công trình, trang trí nội thất chiếm 65%, hoa các loại là 20%, kiểng cổ bonsai 15%. Các loại hoa phổ biến là cúc mâm xôi, hoa lưu ly, hướng dương, dạ yến thảo, cúc đồng tiền, cát tường, dừa cạn, mẫu đơn, lan các loại… Trong khi đó, nghề trồng kiểng cũng rất phát triển, tạo thu nhập cao cho nhiều vườn hoa, đặc biệt là các dạng mai vàng, các loại kiểng lá, kiểng cổ bonsai…
Bà Nguyễn Thị Mai, một nghệ nhân bonsai gạo cội ở Sa Đéc cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã mê mẩn những dáng cây kỳ lạ, độc đáo. Sau này, cùng với bà con ở khóm Tân Mỹ, tôi bắt đầu trồng hoa, kiểng, bonsai. Những tác phẩm bonsai của tôi được khá nhiều khách hàng ưa chuộng, bởi nó sống động và mang đậm hồn quê. Ngoài giá trị kinh tế, với người làm vườn như tôi, được ngắm nhìn những cây bonsai do chính tay mình chăm sóc cũng là một niềm hạnh phúc“.
Không chỉ có vai trò trong sản xuất, làng hoa Sa Đéc còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với hơn 4.000 hộ sản xuất hoa, kiểng, chiếm khoảng 50% số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; hơn 200 cơ sở kinh doanh hoa, kiểng góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động nơi đây.
Tính đến thời điểm hiện tại, Sa Đéc có 4 hợp tác xã, 1 quỹ tín dụng, 10 tổ hợp tác và 3 hội quán hoạt động có liên quan đến ngành hàng hoa, kiểng.
Hối hả vào vụ Tết
Hiện nay, theo chia sẻ của các nhà vườn, nhu cầu mua hoa kiểng những ngày cận Tết Nguyên đán đang tăng đáng kể, cao hơn khoảng 30% so với ngày thường. Khách hàng ghé mua đa số là người dân địa phương, khu vực lân cận, chen lẫn với người dân ở các tỉnh, thành phố khác.
Ngày Tết, thông thường khách hàng chọn lựa các loại hoa truyền thống như cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, vạn thọ, hướng dương, cúc đồng tiền, tắc kiểng, các loại cây lá màu, kiểng lá, hoa hồng, cát tường… Đáng chú ý, trước sức mua mạnh, một số vườn cúc mâm xôi trổ hoa đúng dịp Tết đã được khách hàng, thương lái đặt mua hết. Tùy theo kích thước chậu và số lượng hoa, giá bán dao động từ 160.000 đồng – 260.000 đồng/cặp, tăng chừng 10% so với thời điểm năm ngoái.
Nông dân làng hoa gói hoa kiểng chuẩn bị giao thương lái (Ảnh: Minh Anh) |
Dự kiến, Tết này, tổng sản lượng hoa kiểng mà làng hoa Sa Đéc cung ứng ra thị trường đạt khoảng 2 triệu giỏ.
Ngoài việc thuận lợi nhờ “thiên thời, địa lợi”, làng hoa Sa Đéc còn nỗ lực tự lực cánh sinh, miệt mài chăm sóc từng luống hoa để tạo nên những sản phẩm rực rỡ, tỏa sáng khắp nơi. Chị Hương (37 tuổi, chủ hộ hoa ở Tân Quy Đông) chia sẻ: “Để có những chậu cúc đẹp, chúng tôi phải tỉ mỉ trong từng khâu, từ việc chọn giống, chuẩn bị đất, tưới nước cho đến việc bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, giai đoạn ra hoa là quan trọng nhất. Chúng tôi phải canh thời gian để hoa nở đúng dịp Tết, màu sắc phải thật tươi tắn. Hoa cúc của gia đình tôi chủ yếu được các thương lái từ miền Bắc và miền Trung đặt hàng. Họ rất chuộng hoa cúc Sa Đéc vì hoa đẹp, bông to và bền”.
Anh Nguyễn Văn Bá, thương lái từ TP. Đà Nẵng nói với phóng viên Báo Công Thương: “Năm nay, giá cúc các loại như cúc mâm xôi, cúc đại đóa đều tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái. Riêng các loại cúc có màu sắc độc đáo, hình dáng lạ mắt giá còn cao hơn nữa. Giá hoa tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của chúng tôi. Để đảm bảo lợi nhuận, chúng tôi phải cân nhắc kỹ lưỡng khi nhập hàng. Nhưng nhìn chung so với các loại hoa khác như hồng, ly,… giá cúc vẫn ổn định hơn”.
Lý giải về nguyên nhân của sự tăng giá năm nay, nhiều chủ hộ cho chủ yếu là do chi phí sản xuất tăng. Mặc dù giá thể (phân rơm) đã ổn định, nhưng giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng cao. Thời tiết cũng có sự bất lợi vì giai đoạn cây còn nhỏ, mưa nhiều nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của một số loại hoa “nhạy cảm” với nước.
Không chỉ làm giàu cho thị trường trong nước, hoa kiểng Sa Đéc còn vươn xa ra thị trường quốc tế, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Trung Quốc đều ưa chuộng những sản phẩm hoa kiểng độc đáo và chất lượng cao từ Sa Đéc.
Theo thông tin từ UBND thành phố Sa Đéc, giá trị sản xuất hoa kiểng ước đạt trên 1.800 tỷ/năm và chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Mỗi năm, nơi đây cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu hơn 30 triệu giỏ hoa các loại. Với bà con, đây không chỉ là sự nối tiếp công việc trăm năm của cha ông mà còn là cách để tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. |
Nguồn: https://congthuong.vn/lang-hoa-sa-dec-nuc-tieng-mien-tay-hoi-ha-vao-vu-tet-367813.html