Người Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 11/02/2025 15:35:29
ĐTO – Như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt Nam nói chung, người Việt Nam ở Đồng Tháp nói riêng có đức tính chăm chỉ và là một trong những đặc điểm nổi bật nhất. Dân gian nói về sự “chịu thương chịu khó”, “hay lam hay làm” không chỉ ca ngợi người lao động nữ mà còn cho tất cả “đấng mày râu” và ở các lĩnh vực. Ngay những năm thiếu thời, người Đồng Tháp phải trải “một nắng hai sương” và quen dần với lao động vất vả của nghề nông. Và cho dù thời đại “chất xám”, chăm chỉ vẫn là phẩm chất hàng đầu của người lao động.
Nhờ chí thú làm ăn và được hỗ trợ vay vốn ưu đãi đã giúp vợ chồng anh Trần Hồng Thắng (ngụ ấp Thành Tấn, xã Long Thắng, huyện Lai Vung) phát triển nghề chăn nuôi bò và thoát nghèo (Ảnh: M.X)
>> Kỳ 1: Yêu nước – nguồn lực của thịnh vượng
>> Kỳ 2: Đoàn kết – tự nhiên và trong sáng
>> Kỳ 3: Trung thực – sáng mãi với thời gian
>> Kỳ 4: Tự lực – cơ sở của sự độc lập và thích ứng trong giai đoạn mới
Chăm chỉ (hard-working) được hiểu là khả năng cố gắng và luôn luôn nỗ lực, sự kiên nhẫn và tận tâm để đạt được mục tiêu. Đức tính này được thể hiện qua tần suất và trách nhiệm khi thực hiện công việc nào đó, dù là những thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày hay xây dựng sự nghiệp lớn lao. Những từ đồng nghĩa với chăm chỉ là cần cù, siêng năng. Trái với chăm chỉ là biếng nhác, chây lười. Biểu hiện cụ thể nhất của lười biếng là chán nản, không cố gắng hay không muốn làm bất cứ việc gì. Lười biếng là kẻ thù lớn nhất của sự thành công. Có thể dễ nhận thấy, không phải tất cả người chăm chỉ trở nên giàu, nhưng hầu hết người chăm chỉ đều có cuộc sống ổn định. Lỗ Tấn, nhà văn lớn của Trung Quốc có nói: “Trên con đường thành công không có dấu chân của sự lười biếng”. Gần đây, một số ý kiến bàn luận về một nghịch lý là “lười biếng sẽ dễ thành công”. Thật ra, đây là sự ngộ nhận giữa sự chây lười với mong muốn giảm nhẹ công việc hoặc tạo ra được nhiều kết quả trong một thời gian ngắn. Để công việc được kết thúc trong thời gian sớm nhất, người ta phải “vắt óc” suy nghĩ tìm “trăm phương nghìn kế”. Đó là một loại lao động chứ không phải “Há miệng chờ sung”.
Phần lớn người Đồng Tháp xuất thân từ nông dân nên gắn bó hoặc gần gũi với nghề nông. Nghề nông và đánh bắt thủy sản từng là nguồn lợi nuôi sống chủ yếu đối với đại đa số gia đình. Và trong cảnh “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” này, người ta buộc phải làm việc một cách cật lực để có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Hơn nữa, xuất phát từ một nền nông nghiệp lạc hậu, việc phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã tôi luyện độ bền và sự dẻo dai đối với người làm nghề nông. Ngoài ra, thời tiết luôn “trái gió trở trời”, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi… làm người nông dân phải tìm cách ứng phó. Nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của việc tìm kế sinh nhai trên vùng đất nông nghiệp đã hình thành nên những con người lao động cần cù. Bên cạnh đó, sống trong hoàn cảnh chiến tranh, người nông dân yêu nước ý thức việc lao động còn là nghĩa vụ cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Và khi đất nước hòa bình, người người bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết quê hương và chăm lo mái ấm gia đình đầy đủ hơn. Nền tảng lao động chăm chỉ được chắp thêm cánh “Lao động là vinh quang” bởi lao động không chỉ cho mình mà còn cho cộng đồng và xã hội. Cùng với sự cần cù trong công việc của mình, tất cả các giới đều hăng hái tham gia những “Ngày lao động cộng sản chủ nghĩa”. Tinh thần ấy được nuôi dưỡng và tỏa sáng trong thời kỳ đất nước thực hiện công cuộc “Đổi mới”. Một lần nữa, các tầng lớp nhân dân “cùng hành quân” trên trận tuyến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Học sinh và sinh viên vượt khó, siêng năng học tập; người lao động tích cực khởi nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu Đồng Tháp; công chức, viên chức mẫn cán với nhiệm vụ của tổ chức; chiến sĩ các lực lượng vũ trang tận tâm giữ bình yên cho quê hương… Chính bằng trí óc và bàn tay cần cù của người Đồng Tháp, nhiều gia đình sung túc, xóm làng trù phú, quê hương “thay da đổi thịt”.
Trong bức tranh sáng của Đồng Tháp về lao động chăm chỉ ấy, vẫn còn một số ít người như những “con sâu”. Cả trong nhận thức và hành động, họ chỉ muốn được “ngồi mát ăn bát vàng”, ngại lao động, ngại khó. Ở không ít lĩnh vực, chúng ta bắt gặp thái độ “đùn đẩy trách nhiệm”, làm việc kiểu “qua loa, đại khái”, cẩu thả… Vài cá nhân chây lười, không muốn thay đổi cuộc sống hoặc chỉ mong được “đổi đời’ nhanh chóng bằng sự cầu may, thậm chí làm những điều phạm pháp. Dân gian đã từng chỉ ra nguyên nhân sâu xa của thói hư tật xấu từ “Nhàn cư vi bất thiện”. Ở đây, gia đình, nhà trường và cộng đồng có trách nhiệm chính trong việc tạo ra môi trường lao động cạnh tranh lành mạnh: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không hưởng” và nó là bệ đỡ của tình yêu lao động. Bài học và kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống của mỗi người hay cộng đồng và quốc gia đều chỉ ra sự trái ngược của sự chăm chỉ và lười biếng. Dù cho thời đại mà khoa học – công nghệ phát triển cao, cần cù vẫn là yếu tố hàng đầu trong lao động và là nền tảng của tinh thần đổi mới, sáng tạo. Nền kinh tế tri thức càng cần lao động chuyên môn cao với những thao tác chính xác.
Từ môi trường sống và sự giáo dục, người Đồng Tháp được “đào luyện” nên đức tính chăm chỉ. Bằng sự cần cù, những con người của xứ Sen hồng đã dần dần chế ngự được “ngập lụt”, chinh phục vùng đất hoang vu và tạo dựng “cơ ngơi” phục vụ cuộc sống đa dạng của con người ở đây. Vùng “đất lành” này đã và đang trở thành “nơi đáng sống”. Cũng chính siêng năng sẽ là nền tảng và hành trang cho thế hệ trẻ người Đồng Tháp tiến vào thời kỳ mới để lập thân, lập nghiệp, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, sánh vai với các vùng hiện đại của các nước trên thế giới.
Kỳ 6: Hợp tác – tất yếu và tiền đề
DÂN BIỆN
Nguồn: https://baodongthap.vn/chinh-tri/ky-5-cham-chi-nen-sang-tao-129144.aspx