Cập nhật ngày: 16/01/2025 05:24:23
ĐTO – Cùng với cả nước, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tỉnh Đồng Tháp đã đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm; nền nông nghiệp phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản; nông dân cần cù, sáng tạo, hồn hậu và mến khách; các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ… là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp (DLNN).
Du khách check-in tại Điểm tham quan vườn quýt Hai Kiệt (huyện Lai Vung) (Ảnh: Bích Liễu)
Khai thác hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp
DLNN tại Đồng Tháp được tỉnh xác định là chiến lược, trụ cột, căn bản, toàn diện, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển DLNN là một mắt xích quan trọng trong kéo dài chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây, nhưng DLNN bước đầu đã mở rộng được không gian, góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của quê hương, văn hóa, con người Đồng Tháp.
Du lịch nói chung, DLNN, du lịch cộng đồng thời gian qua nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, các cấp, các ngành. Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch ra đời thể hiện quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như định vị thương hiệu du lịch nói chung và DLNN nói riêng. Đồng Tháp cũng là địa phương tiên phong trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển DLNN, du lịch cộng đồng.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, DLNN tỉnh Đồng Tháp thời gian qua đã có những kết quả khả quan. Tỉnh phát triển được hơn 100 điểm tham quan DLNN trải đều khắp 12 huyện, thành phố, đang hoạt động phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. Điển hình là Làng hoa kiểng Sa Đéc với hơn 18 điểm tham quan trải nghiệm DLNN. Trong đó, có 12 điểm đang khai thác có hiệu quả (có 6 điểm du lịch được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận là Điểm du lịch theo Luật Du lịch 2017, có 6 điểm DLNN được công nhận sản phẩm OCOP 3 – 4 sao theo Bộ tiêu chí du lịch nông thôn của Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Tại TP Sa Đéc cũng đã phát triển được 2 mô hình nổi bật: “Hội quán Cùng nhau làm du lịch” ra đời gắn kết các thành viên cùng chung chí hướng, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, sáng tạo trong phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp; Hợp tác xã sản xuất thương mại đầu tư phát triển dịch vụ du lịch Làng hoa Sa Đéc.
Còn Đồng Sen Tháp Mười hiện có 12 hộ dân đang khai thác loại hình DLNN nông thôn với các dịch vụ: bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, chụp ảnh lưu niệm, câu cá giải trí, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen và mua sắm các sản vật được chế biến từ sen. Huyện Lai Vung có 13 điểm tham quan, trải nghiệm vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận. Vào mùa quýt hồng từ tháng 11 âm lịch đến sau Tết Nguyên đán, vườn quýt hồng Lai Vung là địa điểm rất thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.
Huyện Tam Nông với Việt Mekong Farmtay là nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên được phát triển trên nền tảng nông nghiệp và văn hóa địa phương. Hiện nay, Việt Mekong Farmstay là một điểm du lịch thu hút dòng khách cao cấp, đặc biệt là lượng khách trẻ có thu nhập cao. Đây cũng là mô hình nổi bật được Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (iTDR) khảo sát phục vụ cho nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”.
Huyện biên giới Hồng Ngự có 5 điểm đã khai thác phát triển du lịch, trong đó Làng dệt choàng Long Khánh đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống. Ngoài sản phẩm truyền thống, làng nghề còn sáng tạo thêm một số mẫu khăn rằn mới phục vụ khách du lịch. Dần dần, các nghệ nhân ở làng nghề phát triển nhiều sản phẩm thời trang và quà lưu niệm mới như: áo bà ba, túi xách, balo, nón, cà vạt, bông cài áo. Mô hình Làng du lịch xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) với 7 hộ dân khai thác các sản phẩm gắn với các hoạt động trải nghiệm tại vườn xoài, điển hình là Mango Trail Farmstay – hiện là một điểm thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Du khách thích thú chụp ảnh dưới tán xoài tại The Mango Trail (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) (Ảnh: Bích Liễu)
Động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững
Thời gian qua, Đồng Tháp cũng đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển DLNN, nông thôn gắn với Chương trình nông thôn mới với mục tiêu kép là vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực, vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi DLNN, nông thôn. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã có nhiều nỗ lực nhằm thay đổi tư duy, cách làm du lịch; liên kết với các đơn vị như: Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn, Viện Ứng dụng khoa học Công nghệ và Đào tạo Mekong, Đại học Cần Thơ, các chuyên gia tổ chức các lớp truyền cảm hứng, các lớp kỹ năng giao tiếp ứng xử, xây dựng sản phẩm, quản lý thương hiệu điểm đến… Đồng thời kết nối và mời các đơn vị lữ hành về xây dựng các chương trình tour DLNN liên kết các điểm vệ tinh, nhằm chuẩn hóa sản phẩm dịch vụ, tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi ích cộng đồng. Thời gian tới, ngành tiếp tục xây dựng đa dạng sản phẩm gắn với đặc trưng tài nguyên địa phương và tăng cường công tác truyền thông quảng bá, đào tạo chuyên sâu các kỹ năng nghề du lịch cho các hộ kinh doanh DLNN.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng DLNN tại tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: phần lớn hoạt động với quy mô hộ gia đình, chưa có mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch với các hoạt động vui chơi, giải trí mang tính trải nghiệm cao; sản phẩm còn đơn điệu thiếu sự phong phú nên chưa thoát khỏi yếu tố mùa vụ; chưa khai thác triệt để các giá trị cảnh quan, tài nguyên, văn hóa truyền thống để mang đến những trải nghiệm về không gian sống và văn hóa vùng miền đặc trưng cho khách du lịch; thiếu tính liên kết giữa các hộ kinh doanh với nhau và giữa các địa phương để tạo ra một chuỗi cung ứng phục vụ tốt nhu cầu khách du lịch; số lượng sản phẩm DLNN trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm đồ thủ công… khá nhiều nhưng chưa khai thác, phát triển theo hướng phục vụ du lịch.
Tại hội thảo “Tham vấn xây dựng mô hình DLNN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào ngày 13/12/2024), bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Giám đốc Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, phát triển du lịch có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Phát triển DLNN, nông thôn được xác định là một trong những giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.
Là một tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp xác định du lịch sinh thái, nông nghiệp là một trong những loại hình ưu tiên. Điều này thể hiện rất rõ trong Đề án phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030 với 13 loại hình du lịch ưu tiên và riêng DLNN được đề xuất xây dựng 8 bộ sản phẩm: “Tui làm nông dân xứ Sen hồng”, kể chuyện nhà nông, khám phá Làng hoa Sa Đéc – Hương sắc trăm năm, Tháp Mười – Vương quốc sen hồng, Cao Lãnh – Xứ sở xoài, Lai Vung – Thế giới quýt hồng, Hồng Ngự – Thủ phủ cá tra, học kỳ nông nghiệp.
TN
Nguồn: https://baodongthap.vn/du-lich/khai-thac-loi-the-dat-sen-hong-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-128607.aspx