Thăm những phế tích nghìn năm, trải nghiệm cuộc sống tiền nhân, hòa vào thiên nhiên, ăn các món dân dã là trải nghiệm ở vùng Đồng Tháp Mười.
Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước không chỉ ở Đồng Tháp, mà bao gồm một phần diện tích của Tiền Giang và Long An, rộng trên 700.000 ha. Nơi đây một thời “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh” với những cánh rừng tràm bạt ngàn, đồng cỏ ngập nước theo mùa cùng các loài sen, súng. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Đồng Tháp Mười bắt đầu được khai phá để trồng lúa, hiện là nơi có sản lượng lúa lớn tại miền Tây.
Từ TP HCM, xe chạy trên quốc lộ 1 khoảng 50 km đến trung tâm TP Tân An, Long An. Tại đây, du khách được thưởng thức món bún xiêm lo, một món ăn dân dã của người Khmer với nước lèo sệt vàng của nghệ tươi cùng thịt cá lóc và rau tai tượng. Đây là món ăn đặc sản của vùng đất Mộc Hoá, Kiến Tường, thể hiện sự giao thoa văn hoá bản địa của người Khmer và cộng đồng người Việt mới định cư tại vùng đất này.
Hành trình tiếp tục theo quốc lộ 62, qua những vạt tràm, năng, khoai mỡ xanh mướt tại huyện Thạnh Hóa, vào địa phận vùng Đồng Tháp Mười và huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ven đường, nhà dân nằm xen giữa những khóm tràm, vạt lúa xanh, những vườn mít, xoài xum xuê.
Khách tham quan di tích Óc Eo tại Gò Tháp (Tháp Mười, Đồng Tháp). Ảnh: Hoàng Nam
Cách trung tâm TP Tân An khoảng 70 km, du khách đến điểm dừng chân đầu tiên: Di tích Gò Tháp, thuộc địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Đây là một trong 34 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam và là một trong hai di tích lịch sử và khảo cổ quan trọng trong cả nước. Hành trình tiếp tục từ Gò Tháp Mười, Miếu bà Chúa xứ, Gò Minh Sư, Chùa Tháp Linh dọc theo những con đường lát đá cổ kính, rêu phong, dưới bóng mát của những thân cây hàng trăm năm tuổi như trôm, sao, dầu.
Từ cuối thế kỷ 19, các nhà khảo cổ Pháp đã phát hiện nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn các di tích của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Cả quần thể gồm 10 di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo, giếng thần, di tích cư trú, xưởng chế tác, tượng thần Vishnu cùng hơn 400 lá vàng, khuyên tai vàng, nhẫn, dây chuyền vàng, sợi dây chuyền vàng.
Nếu làm một cuộc du hành thời gian về khoảng khoảng 1.500 năm trước, bạn sẽ thấy nơi đây từng tồn tại một thành phố sầm uất thuộc vương quốc Phù Nam vào thế kỷ thứ 1 đến 6 sau Công nguyên. Nơi đây cũng từng là đại bản doanh của nghĩa quân Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều thời kỳ đầu chống Pháp.
Đoàn khách tìm hiểu các vật dụng quen thuộc của nông dân Đồng Tháp Mười hàng trăm năm trước như xuồng gặt lúa ma, phản phát cỏ. Ảnh: Hoàng Nam
Từ Gò Tháp, ngược sông hơn 1km bằng trẹt gỗ, loại phương tiện thông dụng ở Đồng Tháp Mười, bạn sẽ đến khu vực cánh đồng sen. Bên trong căn chòi dựng bằng cây, lá, hãy thưởng thức các món đặc sản Đồng Tháp Mười như ốc bươu nướng tiêu, cá lóc nướng quấn lá sen non chấm mắm me, cơm hấp lá sen…
“Lần đầu tham gia hành trình nhưng tôi rất thích cảnh sông nước bình yên, đặc biệt ấn tượng với món cá lóc nướng cuốn lá sen, tép đồng xào bông điên điển, cá trê vàng chiên nước mắm gừng, đọt lục bình xào tỏi”, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, 28 tuổi, du khách từ TP HCM, nói.
Rời Đồng Tháp, đi thêm 23 km nữa, bạn sẽ đến khu di tích quốc gia, căn cứ xứ ủy Nam bộ, xã Nhơn Hòa Lập, Tân Thạnh (Long An). Đây là một trong ba căn cứ địa quan trọng nhất của miền Nam trong kháng chiến chống Pháp. Khu di tích gồm hai phần chính: nhà trưng bày hiện vật và hệ thống các nhà chức năng được phục dựng theo lối nhà tranh, vách đất xưa. Du khách được hiểu thêm về các vật dụng quen thuộc của nông dân hàng trăm năm trước như cà ràng, nồi đất, phản, nôm, xuồng thu hoạch lúa ma, các loài động vật đặc hữu của Đồng Tháp Mười như rùa, rắn, các loài chim.
Tại khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (Mộc Hóa) cách đó 20 km, du khách sẽ được đi hơn 1 km xuyên giữa rừng tràm và lên tòa tháp cao để phóng tầm mắt bao quát cả một vạt rừng tràm hàng trăm hecta, ngắm hoàng hôn hay bình minh. Đây cũng là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng bởi gần như tách biệt với ồn ào của phố thị. Ngoài trải nghiệm học gói bánh tét, bạn có thể tham gia nhiều hoạt động như đi bộ dọc theo những con đường xuyên rừng, ngắm đàn chim về tổ, đi thuyền cáp kéo trên sông hay bắt cá.
Đi xuồng ba lá thăm lợp cá tại Làng nổi Tân Lập. Ảnh: Hoàng Nam
Điểm đến sau cùng là trang trại trồng, chế biến các sản phẩm từ trái chanh không hạt tại Bến Lức, Long An. Chanh không hạt cùng các sản phẩm mang thương hiệu Đồng Tháp Mười đang được xuất khẩu tới các thị trường như Nhật Bản và Mỹ.
Kết thúc hành trình hơn 250 km, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Việt kiều Pháp cho hay mình học được nhiều điều từ chuyến đi, nhất là lịch sử lẫn những trải nghiệm mà sách vở không diễn tả hết. “Tôi sẽ giới thiệu cho những người bạn nước ngoài của mình những chuyến đi tương tự để hiểu thêm về văn hóa, con người miền Tây”, bà Hương nói.
Hoàng Nam