Ngày 7-12, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Croplife Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sau 3 năm phối hợp thực hiện chương trình hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp.
Tại hội nghị, nông dân Trần Minh Giữ (trồng xoài ở thành phố Cao Lãnh) cho biết trước khi tham gia lớp tập huấn, ông sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn phối trộn nhiều loại thuốc với nhau.
Chưa nắm vững kỹ thuật, chưa áp dụng hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng nồng độ liều lượng) và “5 vàng” trong việc dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Nguyên tắc “5 vàng” cụ thể là tuân thủ các khuyến cáo về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; đọc và hiểu các thông tin, ký hiệu ghi trên nhãn thuốc; mặc đồ bảo hộ lao động phù hợp; cẩn thận khi phun thuốc, bảo quản tốt bình bơm, xử lý bao gói thuốc đúng cách; thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân.
Tuy nhiên sau khi tham gia các lớp tập huấn, ông đã xác định được sinh vật gây hại để chọn thuốc đặc trị và sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”, qua đó cây xoài cho năng suất, hiệu quả cao hơn.
“Thông qua lớp tập huấn, chúng tôi cũng nhận thức được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là trách nhiệm của mỗi người dân để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là ngày càng đem lại môi trường xanh, sạch đẹp hơn”, ông Giữ nói.
Ông Lê Văn Chấn – phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp – cho biết đã có 78 lớp tập huấn được tổ chức với sự tham gia của 3.140 nông dân trong tỉnh, cùng với đó là 16 lớp tập huấn cho 977 đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, còn thực hiện 2 đợt tập huấn cho 100 cán bộ tại tỉnh Đồng Tháp, cung cấp 3.750 bộ đồ bảo hộ cá nhân cho nông dân khi phun và pha chế thuốc.
Sau 3 năm, chương trình đã xây dựng được 6 mô hình trên các cây trồng chủ lực của tỉnh, bao gồm lúa tại Lấp Vò, hoa kiểng tại Sa Đéc, sầu riêng tại Châu Thành, ớt tại Thanh Bình, xoài tại Cao Lãnh và cây có múi tại Lai Vung với tổng diện tích triển khai mô hình hơn 352ha.
“Qua 3 năm triển khai, chúng tôi nhận thấy đã có sự thay đổi tích cực về mức độ hiểu biết của nông dân về các nội dung liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật.
Nông dân chủ động hơn trong các hoạt động tìm hiểu thông tin về thuốc, lựa chọn mua, vận chuyển, bảo quản. Qua khảo sát, chỉ còn 0,5% nông dân không tuân thủ đúng liều lượng, nồng độ…”, ông Chấn thông tin thêm.
Ông Huỳnh Tấn Đạt – cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – nhấn mạnh việc tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ tiên quyết và ưu tiên của cục.
“Việc triển khai chương trình tại Đồng Tháp cũng như tại nhiều địa phương khác trên cả nước tái khẳng định các cam kết lâu dài của cục nhằm theo đuổi các cam kết về phát triển nông nghiệp bền vững.
Sau 3 năm triển khai đã cho thấy hiệu quả và một số tác động bước đầu của chương trình, qua đó đề cao tầm quan trọng của hợp tác công – tư trong quá trình nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành canh tác an toàn”, ông Đạt nói.
Ông Đặng Văn Bảo – chủ tịch Croplife Việt Nam – cho biết một trong những cam kết quan trọng của tất cả các công ty thành viên Croplife là luôn tiến hành song song các hoạt động tập huấn khi giới thiệu và thương mại sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường.
“Cam kết này cho thấy ưu tiên hàng đầu của Croplife cùng các thành viên đó là sức khỏe và sự an toàn của những người tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, cũng như thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn của chúng tôi trong việc hỗ trợ an ninh lương thực và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Chúng tôi hy vọng rằng thành công của chương trình hợp tác triển khai tại Đồng Tháp sẽ tiếp tục được lan tỏa và nhân rộng và kêu gọi được sự tham gia tích cực hơn từ các đối tác trong chuỗi giá trị – hướng tới các mục tiêu chung về canh tác nông nghiệp hiện đại, bền vững và có trách nhiệm”, ông Bảo nói.