Cập nhật ngày: 01/02/2025 05:21:28
ĐTO – Qua 10 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN), Đồng Tháp chạm khắc rõ nét bức tranh kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà. Đây là “đòn bẩy” để tỉnh tiếp tục hiện thực hóa chủ trương của Đảng với Đề án tổng thể “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ phải sang) thăm các mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp tại Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần II năm 2024
CHUYỂN TỪ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SANG KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Tiếp tục tạo đòn bẩy trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp dành các chính sách hỗ trợ, lồng ghép các đề án, chương trình tác động lớn đến sự chuyển biến kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà. Hiện nay, toàn tỉnh có 333 doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản, trong đó, có 49 DN chế biến nông sản xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản chế biến giai đoạn 2021-2024 ước đạt 4.681,15 triệu USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,21%. Hàng hóa nông sản của Đồng Tháp phát triển mạnh, có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hơn 150 sản phẩm của tỉnh có mặt tại các hệ thống phân phối lớn trên cả nước. Đối với sản phẩm OCOP, có 379/581 sản phẩm OCOP của tỉnh kinh doanh trên sàn thương mại điện tử uy tín như: Shopee, Lazada, Tiki…
Gạo và thủy sản đông lạnh là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Riêng ngành hàng gạo xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2024 tăng 40,58%, xuất khẩu qua 36 quốc gia. Sản phẩm cá tra và chế biến từ cá tra được các DN xuất khẩu qua hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Mặt hàng xoài không chỉ có mặt tại các hệ thống siêu thị, nhà phân phối trong nước mà còn tiếp cận các thị trường khó tính như: Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, EU… Các dòng sản phẩm từ sen có sự đa dạng hóa với khoảng 500 mặt hàng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy trong phát triển nông nghiệp, giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh triển khai thực hiện 67 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó, có 26 nhiệm vụ góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các nhiệm vụ này tác động tích cực đến nâng cao chất lượng 5 ngành hàng chủ lực và một số ngành hàng tiềm năng của tỉnh. Tính đến nay, Đồng Tháp xác lập thành công 1 chỉ dẫn địa lý, 28 nhãn hiệu chứng nhận, 4 nhãn hiệu tập thể phục vụ sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh địa phương và 8 nhãn hiệu chứng nhận khác, mang địa danh phục vụ du lịch, xây dựng hình ảnh địa phương.
Theo TS.Trần Minh Hải – Trường Chính sách công và phát triển nông thôn, Đồng Tháp là tỉnh đi đầu trong việc phát triển kinh tế tập thể khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với lợi thế so sánh trong khu vực này, Đồng Tháp có mô hình Hội quán thể hiện được tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp của nông dân khi ứng dụng khoa học, kỹ thuật, xây dựng mã vùng trồng, nhãn hiệu riêng cho nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc…
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thay đổi mạnh mẽ. Thủ tục hành chính thuộc ngành nông nghiệp quản lý đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4, ước đến cuối năm 2024 đạt 97% (vượt so với chỉ tiêu 80% của Đề án). Đến nay, cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý được số hóa, đạt 100% (vượt so với chỉ tiêu 50% của Đề án).
Theo UBND tỉnh, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 ước có 17/18 chỉ tiêu đạt và vượt tiến độ đề ra. Đáng chú ý, 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đều đạt những kết quả ấn tượng. Năm 2024, ngành hàng lúa gạo có giá trị sản xuất ước đạt 17.572 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020. Ngành hàng xoài có giá trị sản xuất cả năm ước đạt 2.573 tỷ đồng, tăng gần 33,6% so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng năm 2024 ước đạt 5.251 tỷ đồng, tăng gần 12,8% so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành hàng cá tra ước đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 18,63% so với năm 2020. Ngành hàng sen có giá trị sản xuất ước đến cuối năm đạt trên 39,168 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, qua gần 10 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Với những kết quả đó, Đồng Tháp tiếp tục tiên phong nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đề án này tích hợp cả nội dung TCCNN theo hướng mới, phát triển mạnh chuỗi giá trị ngành hàng, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi số tạo ra nền nông nghiệp sinh thái bền vững, minh bạch, trách nhiệm và thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Đa dạng sản phẩm chế biến từ sen được giới thiệu tại sự kiện Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần II năm 2024
NÔNG NGHIỆP SINH THÁI, NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI VÀ NÔNG DÂN VĂN MINH
Ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ, với 10 năm thực hiện TCCNN, Đồng Tháp mang lại nhiều bứt phá. Đặc biệt là xây dựng thành công vùng chuyên canh, tăng quy mô sản xuất chuỗi giá trị đối với 5 ngành hàng chủ lực đạt hiệu quả cao, chuyển sản xuất nông nghiệp theo kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong xây dựng mô hình sản xuất hiện đại. Kết quả này được xem là “xương sống” khi Đồng Tháp tiếp tục phát triển toàn diện về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Với sự chủ động này, Đồng Tháp sẽ viết tiếp câu chuyện tiên phong trên hành trình phát triển “tam nông” mang tính toàn diện hơn.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, để tạo đà phát triển cho các ngành hàng chiến lược, Đồng Tháp cần tập trung phát huy tối đa các lợi thế so sánh. Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, đối với cây lúa, tỉnh đang sở hữu 2 lợi thế đó là Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, Đồng Tháp cần tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, ứng dụng nhiều mô hình tiên tiến vào canh tác vừa đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ của doanh nghiệp, vừa giúp nông dân tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Đối với cây ăn trái, Đồng Tháp tiếp tục hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo sản phẩm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Đồng Tháp cần phát huy lợi thế “thủ phủ hoa nhiệt đới” của khu vực ĐBSCL, trong đó khai thác sâu sản xuất hoa kiểng gắn với phát triển du lịch dưới góc nhìn sáng tạo để tạo sự đột phá.
Đồng hành với TCCNN của tỉnh Đồng Tháp từ những năm đầu tiên, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát hoan nghênh tinh thần tiên phong của Đồng Tháp khi thực hiện TCCNN và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng với Đề án tổng thể “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Theo đó, khi xây dựng Đề án “Tam nông”, cần phải phù hợp với xu hướng chung của cả nước và phải có tính riêng biệt của Đồng Tháp. Hiện tại, các ngành hàng thực hiện TCCNN của tỉnh là sự sàng lọc của lịch sử mang bên mình giá trị lớn. Vì vậy, Đồng Tháp cần phát triển các ngành hàng bền vững với những gói kỹ thuật hiệu quả và hướng dẫn hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ, tận thu phụ phẩm, đẩy mạnh chế biến tạo nên sự khác biệt, độ nhận diện cao về Đồng Tháp thông qua sản phẩm.
Tìm cơ hội từ trong gian khó, Đồng Tháp đánh thức kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà bước sang trang mới với TTCNN. Đồng Tháp xem kết quả này chỉ là điểm khởi đầu để tiếp tục với Đề án “Tam nông” nhằm xây dựng quê hương Đất Sen hồng phồn vinh, hòa cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam…
Y Du
Nguồn: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/dong-thap-but-pha-tren-hanh-trinh-xay-dung-nen-nong-nghiep-ben-vung-128960.aspx