Theo Phó thủ tướng, giai đoạn từ năm 2020 – 2023 đã có nhiều chính sách giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất giúp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, còn không ít thách thức, rủi ro ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5 – 7%, tỉ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng cao…
Thực tế này đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cũng như tác động không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Vì vậy cần có các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục chính sách thuế, trong đó có giảm thuế VAT 2%.
Đề nghị tiếp tục giảm thuế VAT trong 6 tháng
Theo đó, nghị quyết này áp dụng giảm 2% thuế VAT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế VAT là 10%. Ngoại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2025.
Việc giảm thuế được đề xuất áp dụng từ ngày 1-1-2025 đến 30-6-2025. Theo tính toán, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 tương đương khoảng 26.100 tỉ đồng.
Theo Chính phủ, việc thực hiện chính sách thuế này nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, tăng trưởng để đóng góp trở lại cho ngân sách cũng như nền kinh tế.
Mức giảm 2% thuế VAT sẽ tác động tới giá hàng hóa, dịch vụ nên mang lại lợi ích cho người dân, trong khi doanh nghiệp giảm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhất trí sự cần thiết ban hành nghị định, song một số ý kiến không đồng tình khi cho rằng chính sách này đã ban hành từ năm 2022, chỉ nên coi đây là giải pháp tình thế trong thời gian nhất định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Chưa kể, việc dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 26.100 tỉ đồng từ chính sách này nhưng chưa được tính đến trong dự toán ngân sách năm 2025 có thể tác động đến việc bảo đảm dự toán thu và bội chi.
Mặc dù cơ bản nhất trí áp dụng chính sách này đến tháng 6-2025, song có ý kiến cho rằng việc thực thi chính sách giảm thuế là tương đối ngắn hạn. Điều này phần nào thể hiện chất lượng của công tác dự báo và tầm nhìn của việc đề xuất ban hành chính sách, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp…
Băn khoăn cứ 6 tháng xin giảm thuế VAT
Để hướng tới sự ổn định và tính dự báo của hệ thống chính sách thuế giá trị gia tăng, đồng bộ thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế như được trình tại kỳ họp này, không tiếp tục đề nghị kéo dài.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với việc giảm thuế VAT 2%, song ông cho rằng không nên “giảm lắt nhắt” 6 tháng một. Bởi năm ngoái Chính phủ trình giảm thuế VAT trong 6 tháng đã có ý kiến đặt ra sao không xin giảm 1 năm.
“Chính phủ có đảm bảo sau 6 tháng sẽ không trình Quốc hội giảm thuế VAT 2% thêm? Đề nghị Chính phủ rà soát để không phải trình nhiều lần nữa. Đồng thời cần rà soát, tại sao có doanh nghiệp được giảm, có doanh nghiệp không được giảm để đảm bảo công bằng” – ông Hòa nói.
Giải trình thêm, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ cũng chưa kịp “đánh giá tác động” khi xây dựng nghị quyết này. Dù vậy, việc giảm thuế dự kiến giúp kích thích tiêu dùng, tăng sản xuất, từ đó giúp GDP tăng lên, thu thuế tăng lên.
So với các nước, ông Phớc cho hay thuế suất VAT của ta thấp hơn. Ví dụ, Trung Quốc và Ấn Độ, Israel 17%, châu Âu hơn 20%, Đan Mạch, Na Uy 25%, Pháp 20%… Mặc dù mức thuế VAT của Việt Nam thấp hơn, nhưng do năm 2025 chưa lường hết khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu, nên cần áp dụng chính sách này.
“Chúng tôi cũng buồn vì phải bàn về tình trạng giảm thuế. Quan trọng nhất là phải làm thế nào để doanh nghiệp ngày một giàu mạnh hơn, ta không phải đi vay nước ngoài nữa, đây mới là mục tiêu. Việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào thuế, mà phải là cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, vướng mắc” – ông Phớc bày tỏ.