Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ý kiến khi phát biểu thảo luận ở hội trưởng về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 7-11.
Đại biểu bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa luật để khắc phục những bất cập vướng mắc về giá điện, bù chéo, phát triển năng lượng mới, điện tái tạo, xử lý môi trường, quản lý nhà nước về năng lượng…
Góp ý quy định sửa đổi về giá điện và giá dịch vụ về điện, ông Hòa đề nghị làm rõ bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định, cơ chế giá điện hai thành phần.
Đồng thời có lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng, theo nguyên tắc thị trường và khuyết khích tiết kiệm điện sản xuất.
“Tôi đồng tình việc thực hiện giá điện hai thành phần là công suất và sản lượng, để rõ ràng minh bạch và chấm dứt việc bù chéo, không thể để khách hàng này thu giá cao để bù cho khách hàng khác thu giá thấp”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa: “Nếu cứ bù giá, sẽ không khuyến khích tiết kiệm sử dụng, không bình đẳng với nhau, mà phải áp dụng theo giá thị trường. Còn các chính sách ưu đãi thì nhà nước bù đắp. Không thể để ngành điện báo lỗ hằng năm do phải bù chênh lệch giá, mua cao phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp”.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án điện rất cần thiết vì nhu cầu sử dụng điện trên các lĩnh vực là rất lớn. Trong khi nguồn lực của nhà nước có hạn nên cần có chính sách để thu hút đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Ông cho rằng từng thời kỳ, Chính phủ có quy định cụ thể, nhất là các chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vì hiện nay nhu cầu sử dụng điện của dân rất là bức thiết mà đầu tư thời gian qua có phần hạn chế, có nơi chưa có điện để sử dụng, nếu có dân sử dụng điện pin, ắc quy, tích điện mặt trời…
“Về chính sách phát triển năng lượng tái tạo, điện năng mới trong đó có điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện sóng biển… Tuy nhiên cần tính toán sao có hiệu quả lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư, nhất là những nguồn năng lượng mới mà hiện nay nước ta chưa thực hiện như điện sóng biển, điện gió ngoài khơi, điện hải lưu”, ông Hòa nêu.
Giá điện xuất khẩu nên để doanh nghiệp quyết định
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết dự luật quy định giá xuất khẩu điện do đơn vị điện lực xây dựng trong trường hợp xuất khẩu điện với nước ngoài qua điện lưới quốc gia, bên bán điện căn cứ nguyên tắc và căn cứ quy định giá bán lẻ điện để thỏa thuận thống nhất với bên mua điện.
Đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp vì việc đầu tư do doanh nghiệp nên giá bán điện phải do doanh nghiệp quyết định sau khi làm nghĩa vụ nộp ngân sách với nhà nước. Nếu đơn vị điện lực quyết định giá thì dẫn đến thua lỗ và vô lý.
Ông Thanh cho hay đề án “xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau” đã được Thủ tướng chỉ đạo tại công văn số 647 năm 2023. Ông kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương hướng dẫn địa phương sớm triển khai thực hiện.
“Cà Mau có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư điện gió để xuất khẩu. Hiện tại có các đối tác của Singapore đang đặt vấn đề mua điện của Cà Mau kéo lưới điện cáp ngầm vượt biển từ Mũi Cà Mau đến Singapore không thông qua lưới điện quốc gia. Tiền doanh nghiệp đầu tư thì nên để doanh nghiệp tự thỏa thuận giá hợp lý để bán cho đối tác nước ngoài, vì vấn đề này không liên quan đến EVN”, ông Thanh nói.