Ngày 12.11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông có nhận định, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã đảm bảo tự chủ một phần chi thường xuyên, tuy nhiên kinh tế báo chí vẫn là thách thức với sự phát triển.
Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị bộ trưởng làm rõ việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách nhà nước đối với cơ quan báo chí hiện nay đã và đang triển khai như thế nào, có gặp khó khăn gì không?
Và theo đại biểu, có bao nhiêu cơ quan báo chí thực hiện được nội dung này?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến thông tin truyền thông đã ban hành được khoảng 80%, phấn đấu đến cuối năm nay hoặc quý II năm sau sẽ hoàn thành 100%.
Theo bộ trưởng, một số quy định trước đây rất khó, giao cho cơ quan chủ quản dựa trên hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để họ ban hành định mức nhưng nhiều cơ quan chủ quản không đủ năng lực ban hành.
Các định mức kỹ thuật mới đang được làm rất thông thoáng, để thẩm định, phê duyệt đơn giản hơn rất nhiều.
Bộ trưởng cho biết, theo thông tin từ trợ lý ảo thì chỉ có 5 bộ, ngành và 3 cơ quan báo chí giải quyết được vấn đề xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Con số này là quá ít.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) chất vấn, các tin tức giật gân thường thu hút sự chú ý, trong khi tác phẩm báo chí về tấm gương người tốt, việc tốt lại ít được quan tâm. Bộ trưởng cho biết, giải pháp để báo chí phát huy vai trò là kênh truyền tải hiệu quả tấm gương người tốt, lan tỏa giá trị nhân ái?
Có nhiều lo ngại liên quan đến tính khách quan của báo chí trước sức ép của nguồn quảng cáo, nhà tài trợ. Bộ trưởng cho biết giải pháp để cơ quan báo chí duy trì chất lượng, sự trung thực trong thông tin, hạn chế quảng cáo?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, có việc các doanh nghiệp tác động đến cơ quan báo chí thông qua hỗ trợ truyền thông để “lái” báo chí theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng khẳng định, bộ có rà soát, phát hiện, đánh giá, xử lý vấn đề trên. Hiện nay, bộ đã ban hành quy định nói rõ bảo hộ truyền thông giữa doanh nghiệp và báo chí, tránh việc lợi dụng.
Khi mới làm bộ trưởng, ông còn nhớ được nhiều người gọi điện, nhắn tin và bản thân ông cũng có trải nghiệm đọc bản tin tiêu cực tràn lan trên báo chí.
“Chúng ta thở bằng không khí mà không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến phổi. Còn tin tức ô nhiễm thì não cũng ô nhiễm”, bộ trưởng khẳng định.
Hiện nay, báo chí hoạt động trên không gian mạng đã có nhiều công cụ mới để rà quét. Bộ đã quy định tiêu chí đánh giá về thông tin tiêu cực, tích cực trên báo chí. Theo đó, định mức thông tin tích cực trên 60%, thông tin trung tính chiếm 25%, thông tin tiêu cực khoảng 15%.
Bộ có công cụ rà soát, đánh giá hàng ngày và gửi cho cơ quan báo chí chấn chỉnh. Hiện nay, có thực tế nhiều người sử dụng mạng đã chán nản trước thông tin tiêu cực mà quay về thích đọc những thông tin tích cực hơn.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/chan-nan-voi-tin-tieu-cuc-ban-doc-quay-ve-bao-chi-tich-cuc-1420401.ldo