Cập nhật ngày: 28/11/2024 10:26:29
ĐTO – Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp được xem là cú hích lớn cho nông nghiệp, mở ra giai đoạn phát triển mới cho hạt gạo Việt. Để thúc đẩy Đề án này, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án, trong đó có Đồng Tháp.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đây được xem là lời giải cho bài toán vốn nhằm phục vụ Đề án. Tuy nhiên, để khai thác tối đa hiệu quả của gói tín dụng này, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) kiến nghị cần có những quy định, hướng dẫn chi tiết và minh bạch hơn về thủ tục vay vốn, điều kiện tiếp cận cũng như các cơ chế hỗ trợ đi kèm. Bên cạnh đó, việc cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào các công nghệ mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười) là một trong những DN sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo có tiềm lực, đang tham gia chuỗi liên kết, bao tiêu lúa gạo cho nông dân, quy mô khoảng 2.000ha. Đặc biệt, DN đã thực hiện liên kết, thu mua toàn bộ sản lượng lúa của HTX Nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Tháp Mười), đang triển khai mô hình thí điểm Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Ông Trương Văn Chính – Giám đốc Công ty TNHH Chơn Chính chia sẻ, phần lớn sản lượng gạo của DN phục vụ xuất khẩu, dòng tiền về chậm, trong khi đó, nguồn vốn hiện có lại đang gặp khó vào thời điểm thu hoạch rộ. Nguồn tài chính vì thế phụ thuộc vào vốn vay Ngân hàng (NH). Công ty mong muốn, các NH cần mở thoáng hơn cho DN, tiếp cận theo hướng hàng tồn kho luân chuyển, hoặc hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn vay không cần tài sản thế chấp.
Quy trình chế biến gạo của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính
Ông Trương Tấn Tài – Giám đốc Công ty TNHH Lúa Gạo Việt Nam (Vinarice), cho biết: “Trong nhiều năm qua, DN chúng tôi đã tích cực tìm kiếm các nguồn vốn vay từ các NH thương mại để phục vụ sản xuất. Trước thông tin về chính sách hỗ trợ lãi suất mới, chúng tôi rất quan tâm đến việc DN có đủ điều kiện để được hưởng lợi từ nguồn vốn này hay không. Bên cạnh đó, để nâng cao vị thế của gạo Việt trên thị trường quốc tế và cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ, DN kiến nghị Nhà nước nên hỗ trợ nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư vào công nghệ mới và xây dựng thương hiệu “1 triệu hecta”.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng hoàn toàn đồng tình với quan điểm trên. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gạo, ông Bình cho rằng, nguồn vốn trung và dài hạn là yếu tố quyết định để DN có thể đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngắn hạn cũng cần được cung cấp kịp thời để DN có thể thu mua lúa từ nông dân, đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng.
Để khai thác tối đa hiệu quả của gói tín dụng, ông Bình đã đưa ra 2 đề xuất quan trọng. Thứ nhất, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt các dự án trong Đề án của các chủ thể tham gia, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các NH có thể hỗ trợ vốn. Thứ hai, là sự cần thiết của việc tham gia tích cực từ các NH thương mại, nhằm tạo thành một liên minh chặt chẽ để cùng nhau thực hiện thành công Đề án.
Ngoài ra, DN đề xuất nên tăng tỷ lệ xét vay đối với tài sản thế chấp, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Bà Tạ Thu Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phương Thanh (xã Tân Bình, huyện Châu Thành) chia sẻ, việc ban hành Chương trình tín dụng ưu đãi khi thực hiện Đề án 1 triệu hecta là rất cần thiết. Vì vốn đóng vai trò then chốt trong sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, ngoài việc giảm 1% lãi suất, các NH cần tăng tỷ lệ xét vay đối với tài sản thế chấp. Có như thế sẽ giúp các DN tiếp cận được nguồn vốn dồi dào hơn.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi cho biết, đặc thù nông dân trồng lúa là sản xuất theo mùa vụ, nhu cầu nguồn vốn không cao. Trong khi đó, hiện nay đa phần nông dân đều “nợ” tiền vật tư của đại lý, với mức lãi suất khoảng 2% trong 4 tháng/vụ. Vì vậy, nông dân rất cần được hỗ trợ mức lãi suất phù hợp (có thể dưới 1%) để mua vật tư nông nghiệp, thiết bị cơ giới hóa hướng tới sản xuất bền vững theo Đề án…
Trước ý kiến của người dân và DN về việc vay vốn ưu đãi nói chung và vay vốn trung, dài hạn nói riêng, bà Phùng Thị Bình – Phó tổng giám đốc Agribank, NH chủ lực cho vay trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết, tại Agribank, tỷ trọng cho vay trung, dài hạn còn rất thấp so với quy định của NHNN Việt Nam nên nếu khách hàng vay là đối tượng tham gia Đề án có nhu cầu vốn trung, dài hạn, Agribank cam kết đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú (bên phải) và Đoàn công tác đến thăm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính (xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười)
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, nhu cầu vốn trung và dài hạn đang rất cần cho hiện tại và quá trình triển khai sắp tới. Các NH thương mại và DN lúa gạo phải xem đây là cơ hội, phải cùng hợp tác sâu hơn. Trong đó, ngành NH phải thể hiện quyết tâm, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất để Đề án đi vào cuộc sống. Phó Thống đốc cho hay: “Không cần đặt ra một con số cụ thể, nhưng tôi khẳng định nhu cầu vốn cho Chương trình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao cần bao nhiêu thì ngành NH sẽ tích cực tham gia và đáp ứng. Bởi lẽ, chương trình mới triển khai thí điểm 1 năm mà khảo sát thực tế đã cho thấy hiệu quả tích cực. Do vậy, không có lý do gì mà chúng ta không tập trung nguồn lực cho dự án đạt hiệu quả, mang ý nghĩa chính trị, kinh tế rất quan trọng này”.
Ngày 7/11, tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long, NHNN Việt Nam chính thức công bố chương trình cho vay ưu đãi dành cho các hộ nông dân, HTX và DN tham gia Đề án. Theo đó, chương trình cho vay theo 2 giai đoạn (căn cứ theo 2 giai đoạn triển khai Đề án theo Quyết định 1490), trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là NH chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng. Về lãi suất, các khách hàng được hưởng mức lãi suất giảm ít nhất 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; thời gian cho vay được điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng và mục đích sử dụng vốn.
|
MN
Nguồn: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/giai-bai-toan-ve-nguon-von-vay-de-an-1-trieu-hecta-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-127404.aspx