Tại tỉnh Đồng Tháp, việc triển khai thực hiện Đề án 01 đã đạt hiệu quả, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp, cho biết, thực hiện chỉ đạo của TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 279/KH-UBND ngày 12/8/2023 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01) trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Kế hoạch đã được quán triệt đến các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương. UBND các huyện, thành phố đã phân công cho Hội LHPN, các phòng chuyên môn chủ trì phối hợp các ngành cùng cấp triển khai Đề án.
Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội triển khai Đề án 01 lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ, các chương trình, kế hoạch của Hội; phát huy vai trò của phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm và tham gia các hoạt động xã hội; phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hỗ trợ thành lập mô hình tổ hợp tác, các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho lao động nữ…
+ Đến nay, việc triển khai Đề án 01 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả cụ thể nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thanh Hoa: Từ nguồn kinh phí được UBND tỉnh phân bổ hàng năm của Đề án 01, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp đã tập trung tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên: 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho 200 chi hội, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp; 2 lớp tập huấn cho 100 hội viên, phụ nữ, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng biện pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số sản xuất, kinh doanh; 1 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, quy trình, thủ tục đăng ký thành lập, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho 50 thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã; hội thảo phát huy vai trò của phụ nữ trong phát tiển kinh tế tập thể có 150 đại biểu tham dự.
Thông qua Đề án và thực hiện chương trình ký kết giữa Hội LHPN với Liên minh Hợp tác xã tỉnh về “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, 2 đơn vị đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn tuyên truyền vận động thành lập mới hợp tác xã cho 100 thành viên các hội quán, tổ hội, chi hội phụ nữ.
Qua công tác tác tuyên truyền, vận động, cán bộ, hội viên phụ nữ đã có thêm hiểu biết về vị trí, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng như ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia kinh tế tập thể. Từ khi Đề án được triển khai đến nay, các cấp Hội đã thành lập mới được 42 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý với 396 thành viên; phối hợp với chính quyền địa phương vận động thành lập 7 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý với 1.271 thành viên.
+ Việc triển khai thực hiện Đề án 01 đã có tác động thế nào đến vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh tế, việc làm của tỉnh Đồng Tháp?
Các hoạt động thực hiện Đề án 01 đã góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực nông thôn. Chị em được tiếp cận việc làm, có cơ hội tham gia vào các ngành nghề có thu nhập ổn định như đan lục bình, kết cườm, may mặc… Từ đó, đời sống kinh tế của gia đình của chị em được cải thiện, chị em có thêm tự để tin khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
Về đào tạo, bồi dưỡng: qua các lớp tập huấn, nâng cao năng lực, phụ nữ có thêm cơ hội phát triển trong các ngành nghề, từ công việc kỹ thuật đến quản lý, đồng thời giảm thiểu khoảng cách giới trong lực lượng lao động.
Về tăng cường vai trò quản lý của phụ nữ: được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý hợp tác xã như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, Phó giám đốc, Ban kiểm soát…, nhiều chị được nâng cao năng lực, tự tin đảm nhận và khẳng định được vai trò quản lý của mình trong các tổ chức kinh tế tập thể. 23 hợp tác xã do các cấp Hội hỗ trợ thành lập có 26 nữ tham gia quản lý, trong đó có 5 Chủ tịch HĐQT, 6 Giám đốc HTX; hàng năm tạo việc làm cho 715 lao động nữ. Điều này góp phần thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ, đưa họ trở thành một lực lượng quan trọng trong việc quyết định và thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội. Sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế và xã hội tăng lên rõ rệt, sự hiện diện của họ trong các vị trí quản lý cũng góp phần làm giảm định kiến về vai trò truyền thống của phụ nữ.
Qua đó cho thấy, việc triển khai Đề án 01 không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực.
+ Đồng Tháp là tỉnh có thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc triển khai Đề án 01 đối với hội viên, phụ nữ trên địa bàn?
Đối với Đồng Tháp, phát triển kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chú trọng. Đó là điều kiện thuận lợi để Hội LHPN tỉnh triển khai Đề án 01 hiệu quả, đặc biệt là việc tăng cường vai trò quản lý, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Thông qua việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm, chị em không chỉ có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao địa vị kinh kế mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Đề án giúp phụ nữ nông thôn nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, tiếp cận công nghệ và thị trường, mạnh dạn tham gia hoạt động xã hội, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới trong nông nghiệp. Đồng thời, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm giúp phụ nữ ổn định kinh tế và đời sống, góp phần giảm di cư lao động và giữ chân lao động nữ tại địa phương.
+ Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ triển khai những nội dung, giải pháp gì trong thực hiện Đề án để tiếp tục nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã?
Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung vào các giải pháp như: tiếp tục đào tạo kỹ năng quản lý cho phụ nữ trong hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; phối hợp liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường; ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp bền vững; nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong kinh tế tập thể.
Những giải pháp này giúp nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ và phát triển bền vững kinh tế tập thể tại địa phương.
+ Cảm ơn bà đã chia sẻ!