Đó là chủ đề hội nghị mới được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Yến sào Việt Nam tổ chức.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm yến sào bên lề Hội nghị Yến sào Đồng Nai – hướng đến phát triển bền vững. Ảnh: H.Lộc |
Là địa phương có nhiều cơ sở nuôi yến nhất vùng Đông Nam Bộ nên Đồng Nai cần có các kinh nghiệm, giải pháp, định hướng để nghề này thực sự phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhiều cơ sở nuôi yến nhất vùng Đông Nam Bộ
Thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 5 năm qua, số lượng cơ sở nuôi yến ở Đồng Nai tăng 2,3 lần. Năm 2019, tỉnh có 610 cơ sở nuôi yến, đến nay đã phát triển gần 1,4 ngàn cơ sở. Các cơ sở nuôi chim yến ngày càng được đầu tư bài bản, đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường, được chứng nhận an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho biết, Đồng Nai có số lượng nhà nuôi yến lớn nhất vùng Đông Nam Bộ. Cơ sở nuôi yến tập trung nhiều ở các huyện: Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh. Năm 2023, sản lượng tổ yến của tỉnh khoảng 15 tấn, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị để tham gia xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết vào năm 2022.
Việt Nam hiện có khoảng 30 ngàn cơ sở nuôi yến với sản lượng khoảng 150-200 tấn/năm. Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sản lượng tổ yến đạt từ 200-250 tấn và tăng lên 350-400 tấn năm 2030. Đồng Nai hiện có gần 1,4 ngàn cơ sở nuôi yến, sản lượng 15 tấn/năm. |
Cùng chia sẻ về nội dung này, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng, tỉnh có điều kiện khí hậu, địa hình đa dạng, có nhiều sông, suối, hồ nước, rừng, núi, vườn cây là nơi trú ngụ và là nguồn thức ăn phong phú, dồi dào cho chim yến. Hiện nay, công tác quản lý chim yến trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Luật Chăn nuôi, nghị định hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ và Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến.
Mặc dù có nhiều cơ sở, song nghề nuôi yến trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, khó khăn để phát triển bền vững. Đó là khoảng 58% cơ sở nằm xen lẫn trong khu dân cư và khu vực không được phép chăn nuôi, gây khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh và tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường sống và mỹ quan. Một số cơ sở nhà yến chưa thống kê được, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và định hướng xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi – chế biến – xuất khẩu. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng, vận hành nhà yến chưa được ban hành đầy đủ nên còn khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động nuôi chim yến.
Hướng đến phát triển bền vững
Đồng Nai là địa phương có lợi thế để duy trì và phát triển nghề nuôi yến. Nghị định thư về xuất khẩu yến chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nói trên là cơ hội để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển nghề nuôi yến cả nước nói chung và tỉnh nói riêng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam Lê Thành Đại, hiện thị trường yến sào thế giới ước trị giá trên 5 tỷ USD với tổng sản lượng khoảng 2,8 ngàn tấn. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ yến sào lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu trên 2 ngàn tấn. Việt Nam đang là một trong 4 quốc gia (cùng với Indonesia, Malaysia, Thái Lan) được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, so với 3 quốc gia còn lại, sản lượng yến xuất khẩu của Việt Nam còn rất thấp. Do đó, các địa phương có lợi thế đang có cơ hội để phát triển cơ sở, mở rộng thị trường.
Để xuất khẩu tổ yến, các cơ sở nuôi yến cần tuân thủ tốt quy định về chăn nuôi, môi trường, kiểm dịch an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào chăn nuôi, chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh; xây dựng chuỗi liên kết nuôi yến bền vững.
Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Come (trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh) Trần Ngọc Thanh Tâm chia sẻ, nghề nuôi yến tại Việt Nam đang phát triển mạnh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.
Ông Tạ Quang Kiên, Phó trưởng phòng Phát triển thị trường, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, cho rằng muốn phát triển bền vững nghề nuôi chim yến cần nghiên cứu đặc trưng sản phẩm, phù hợp thị hiếu từng thị trường; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất theo chuỗi sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, phát triển các sản phẩm sơ chế, chế biến; cập nhật kịp thời quy định kỹ thuật, thương mại và thông tin về nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường. Cùng với đó, các cơ sở quan tâm làm các chứng nhận, quảng bá thương hiệu xúc tiến thương mại để phát triển thị trường nội địa, quốc tế.
Hoàng Lộc
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202412/yen-sao-dong-nai-huong-den-phat-trien-ben-vung-9a774ad/