Năm 2024, giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 50,55 ngàn tỷ đồng, tăng 3,53% so với năm 2023. Với mức tăng trưởng này, Đồng Nai là tỉnh có quy mô giá trị sản xuất thuộc tốp đầu khu vực Đông Nam Bộ.
Chế biến sản phẩm thịt gà xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, thành phố Biên Hòa). Ảnh: B.Nguyên |
Phát huy thành quả đạt được trong năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu cao trong năm 2025. Trong đó, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Chuyển đổi sản xuất hiện đại
Về lĩnh vực trồng trọt, trên cơ sở kết quả khảo sát, phân tích điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, các địa phương trên địa bàn tỉnh quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giống cây trồng, cơ cấu lại các vùng sản xuất quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo lợi thế cạnh tranh gắn với xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, ngành nông nghiệp chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn trái, rau, hoa cây cảnh, dược liệu… có giá trị kinh tế cao. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư hình thành cho được các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc. Các địa phương tập trung hỗ trợ xây dựng, quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là chú trọng sản phẩm có tiềm năng, lợi thế như: chuối, sầu riêng, xoài, mít, bưởi…
Hiện toàn tỉnh có 1.775 doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản. Trong đó, có 144 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật với quy mô trên 70 ngàn tấn/năm. Toàn tỉnh có khoảng 87 ngàn m3 kho lạnh bảo quản sản phẩm nông nghiệp.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng giảm tỷ trọng đàn heo, tăng tỷ trọng đàn gia cầm. Cụ thể, toàn tỉnh duy trì quy mô tổng đàn heo đạt trên 2 triệu con, tổng đàn gia cầm 25 triệu con. Định hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng chăn nuôi trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị. Tỉnh ưu tiên vào lĩnh vực chế biến và phát triển một số đối tượng chăn nuôi có giá trị kinh tế cao như ngành yến sào. Hiện toàn tỉnh có 1.370 nhà nuôi chim yến với sản lượng khoảng 15 tấn/năm, đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ.
Tỉnh tiếp tục khuyến khích xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi theo hướng sinh thái, xanh, hữu cơ; sử dụng có hiệu quả các biện pháp xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi, hướng tới nền chăn nuôi an toàn, hiệu quả. Các địa phương tổ chức sản xuất chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc, khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn. Trong đó nhân rộng mô hình các chuỗi cung ứng sản phẩm từ sản xuất – phân phối – tiêu dùng gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.
Về lĩnh vực thủy sản, tỉnh duy trì diện tích mặt nước nuôi thủy sản gần 8,7 ngàn hécta. Phấn đấu giá trị nuôi thủy sản đạt 737 triệu đồng/hécta, tăng 21 triệu đồng/hécta so với năm 2023. Trong đó, các địa phương chú trọng phát triển tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá lóc, cá rô phi, cá tra… Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 20% diện tích mặt nước nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh được áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Thu hút nhà đầu tư
Là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng có quy mô lớn, chất lượng cao nên có nhiều lợi thế thu hút đầu tư chế biến sâu nông sản, sản phẩm chăn nuôi. Định hướng của tỉnh là nâng cao năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp chế biến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản chế biến trong nước và xuất khẩu.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek (ở Khu công nghiệp Loteco, thành phố Biên Hòa) Trần Nhơn Hiếu cho biết, năm 2024, tuy tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng tốt. Hiện doanh nghiệp đã có 40 loại sản phẩm chế biến cung cấp cho thị trường xuất khẩu và khoảng 10 dòng sản phẩm ướp sẵn cung cấp cho thị trường nội địa. Doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư để ngày càng đa dạng các sản phẩm chế biến. Ngoài xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm thịt gà đi Hong Kong và các nước châu Âu.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 cụm công nghiệp chế biến sâu nông sản với tổng diện tích 107 hécta tại huyện Định Quán và huyện Cẩm Mỹ. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh triển khai đầu tư giai đoạn 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Giầu Dây (huyện Thống Nhất) với định hướng kết nối với các vùng nguyên liệu thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng, huyện có thế mạnh đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái với quy mô lớn. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trên địa bàn huyện đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, với gần 23,3 ngàn hécta cây công nghiệp như: cao su, hồ tiêu, cà phê, huyện Cẩm Mỹ thuộc tốp đầu có diện tích cây công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Địa phương đang nỗ lực thu hút đầu tư vào chế biến nông sản. Đặc biệt, huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp chế biến nông sản tại Long Giao với diện tích hơn 54 hécta. Hiện nay, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202502/xay-dung-nen-nong-nghiep-hien-dai-a6a536d/