UBND huyện Tân Phú vừa kết hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) (Viện NCPT du lịch) khảo sát, đánh giá những giá trị, tài nguyên du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho huyện.
Cánh đồng cây dầu độc đáo ở huyện Tân Phú. Ảnh: N.Liên |
Trên cơ sở những chất liệu đã tìm trong chuyến khảo sát, đơn vị tư vấn sẽ có những gợi ý, định hướng trong xây dựng sản phẩm du lịch. Đặc biệt là các hoạt động du lịch cộng đồng dựa vào nông nghiệp hay hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng. Trong đó, nét văn hóa của cộng đồng dân tộc tại chỗ như dân tộc Mạ, S’tiêng… có thể tạo điểm nhấn cho du lịch Tân Phú.
“Giải nén” các nguồn lực du lịch
Theo tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó viện trưởng Viện NCPT du lịch, những năm gần đây, du lịch được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhận định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, được cụ thể hóa qua các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ. Năm 2024, Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững nhấn mạnh, nhu cầu du lịch của thế giới đang thay đổi. Theo đó, những giá trị du lịch mới đang được thiết lập dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị tự nhiên, đặc biệt là tính nguyên sơ nguyên vẹn.
Khi tiếp cận với huyện Tân Phú, tiến sĩ Dương Đức Minh cho rằng, Tân Phú có nhiều tiềm năng nhưng lượng khách du lịch đến huyện chưa đáng kể so với tiềm lực, thời điểm cao nhất chỉ rơi vào 1-2 tháng trong năm và lượng chi tiêu của du khách còn rất ít. Trong khi đó, huyện Tân Phú có những tài nguyên du lịch mà rất ít nơi khác có được. Chẳng hạn, diện tích rừng tự nhiên khá lớn, tạo nên hệ sinh thái, đa dạng sinh học chỉ ở huyện Tân Phú mới có được. Ngoài ra, huyện Tân Phú còn có cảnh quan hiếm có là những ruộng lúa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Lài cùng với những bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc.
Qua khảo sát, đoàn tư vấn cho rằng, huyện Tân Phú có thể phát triển du lịch theo tuyến du lịch chuyên đề như tuyến du lịch về dòng sông ký ức, là những câu chuyện kể về hành trình vượt ngục của những chiến sĩ cách mạng trong quá khứ. Đặc biệt, ý tưởng xây dựng một “siêu làng” du lịch cộng đồng cho Tân Phú dựa vào các hình thái nông nghiệp, lâm nghiệp được đoàn khảo sát đề cập khá thú vị. Theo các chuyên gia du lịch, “siêu làng” là một không gian sinh thái, chất chứa những giá trị nhân văn và tự nhiên có tính bản sắc rất riêng.
Huyện Tân Phú có 2 điểm có thể phát triển du lịch theo hướng làng dân tộc, đó là Làng dân tộc ở xã Tà Lài và Làng quê đáng sống ở xã Phú Điền. Nếu phát triển theo hướng này, du lịch huyện Tân Phú có thể chuyển mình một cách nhanh chóng, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có, không tác động quá nhiều đến những giá trị hiện hữu.
Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú PHẠM DUY THI cho biết, Tân Phú đã có tầm nhìn đẩy mạnh phát triển du lịch từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa có được sự bứt phá nổi bật. Việc khảo sát các tài nguyên du lịch sẽ tạo cơ hội để huyện kết nối, khai thác các giá trị, xây dựng Tân Phú thành điểm đến với các chuỗi giá trị du lịch đặc sắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương thời gian tới.
Xây dựng điểm đến trên những giá trị riêng
Dưới góc nhìn của một chuyên gia về văn hóa, GS-TS Phan Thị Thu Hiền, giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng muốn phát triển du lịch của một địa phương cần phải nhận biết được bản sắc riêng của địa phương đó để xây dựng thương hiệu tạo được tính cạnh tranh, độc đáo. Theo bà Phan Thị Thu Hiền, dựa trên Kế hoạch xây dựng huyện Tân Phú đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Tân Phú có các vùng phát triển gồm: vùng trung tâm với thị trấn Tân Phú có điểm nhấn về đô thị, công nghiệp và dịch vụ; vùng Phú Điền với thương hiệu làng quê đáng sống có hệ sinh thái làng quê với các đồng lúa, đầm sen, núi đá giữa đồng, hang động núi lửa; vùng khu vực xã Phú Lập nối với các xã Tà Lài, Núi Tượng có hệ sinh thái cây công nghiệp, nông nghiệp và thủy sản, trong đó nhấn mạnh vào cây công nghiệp, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt cánh đồng cây dầu nằm nữa rừng nguyên sinh có đặc thù rất hiếm ở Việt Nam…
Trên cơ sở những tài nguyên đặc sắc, sẵn có, huyện Tân Phú có thể tạo nên sản phẩm du lịch là “phiên chợ quê” giữa đồng vào những thời gian nhất định, gắn với các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Lài. Ngoài ra, các tuyến sản phẩm du lịch đệm như: tuyến Đền Hùng, chùa Linh Phú – thác Hòa Bình; một số điểm vui chơi giải trí như: điểm Phong Phú, vườn hoa tại khu vực xã Thanh Sơn; tuyến du lịch đường sông… hứa hẹn sẽ tạo ra những nét độc đáo cho du lịch Tân Phú.
Đoàn khảo sát tài nguyên du lịch Tân Phú trên sông Đồng Nai. Ảnh: N.Liên |
Viện trưởng Viện NCPT du lịch, tiến sĩ Tạ Duy Linh cho biết, xu hướng hiện nay của du khách là du lịch mang tính trải nghiệm. Qua khảo sát, tiến sĩ Tạ Duy Linh mong muốn phát triển du lịch Tân Phú với thông điệp “Tân Phú dưới tán rừng già” ở một góc nhìn mới là một “siêu làng” du lịch. “Siêu làng” là từ khóa khá lạ trong du lịch, mang những giá trị bản sắc riêng, chỉ có ở Tân Phú. Tân Phú có thể trở thành nơi đáng để du khách tìm đến và trải nghiệm.
Theo tiến sĩ Tạ Duy Linh, Tân Phú có câu chuyện về sự kiện vượt ngục Tà Lài của những chiến sĩ cộng sản bị giam cầm ở nhà tù Tà Lài trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc có thể xây dựng sản phẩm du lịch giáo dục lịch sử.
Bên cạnh đó, huyện Tân Phú có thể khai thác giá trị du lịch về văn hóa, dựa trên những giá trị văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực Tà Lài, tạo cho người dân tộc thiểu số tại chỗ cảm nhận được giá trị của mình, là một phần tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện Tân Phú. Dựa trên những chất liệu đó, huyện Tân Phú có thể hình thành nên một làng du lịch văn hóa ở Tà Lài và trọng tâm không thể xa rời cánh đồng cây dầu nằm đan xen với cánh đồng lúa. Các chuyên gia kỳ vọng cánh đồng ở Tà Lài sẽ là một trong những điểm đến đặc sắc của Tân Phú, có thể biến thành một điểm đến quốc tế, bởi nó hội tụ nhiều yếu tố đặc thù.
Ngọc Liên