(ĐN)- Đó là thông tin được PGS-TS Bùi Hữu Hoàng, Chủ tịch Liên chi hội Gan mật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo Khoa học “Tầm soát sớm bệnh truyền nhiễm thường gặp” do Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổ chức chiều 24-4.
PGS-TS Bùi Hữu Hoàng, Chủ tịch Liên chi hội Gan mật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hạnh Dung |
Theo số liệu thống kê năm 2021, cả nước có 6,6 triệu người nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm viêm gan C. 90% các ca ung thư gan, xơ gan là do viêm gan B và viêm gan C gây ra.
Viêm gan B, C được ví như “kẻ giết người thầm lặng” vì không có triệu chứng điển hình nên người bệnh không biết để đến cơ sở tầm soát bệnh đến khi bệnh có triệu chứng thì đã ở giai đoạn nặng. Bệnh lây truyền từ mẹ sang con, quan hệ tình dục không an toàn, truyền máu, dùng chung kim tiêm, dùng chung đồ cá nhân. Do vậy, những đối tượng nguy cơ cần đi tầm soát định kỳ để có biện pháp phòng ngừa lây bệnh.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm lây truyền virus viêm gan, giảm tỷ lệ mắc mới và tử vong do viêm gan virus, PGS-TS Bùi Hữu Hoàng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng; phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con. Người dân cần đi xét nghiệm máu, nếu chưa bị bệnh thì nên tiêm vaccine viêm gan B. Những người đã được xác định mắc bệnh cần có lộ trình điều trị hợp lý để tránh bệnh tiến triển thành xơ gan, ung thư gan, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Tại hội thảo, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong tỉnh còn được nghe TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh trình bày đề tài “Giá trị của phối hợp xét nghiệm Ag/Ab trong chẩn đoán sốt xuất huyết”; nghe thạc sĩ Đào Minh Ý, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trình bày báo cáo “Vai trò của chẩn đoán nhanh trong phát hiện các bệnh HIV, giang mai”.
Hạnh Dung