I. Giới thiệu tổng quan về tỉnh Đồng Nai:
1. Về vị trí địa lý:
Tỉnh Đồng Nai có diện tích 5.897,8 km2, chiếm 1,9% diện tích cả nước; dân số khoảng trên 03 triệu người, chiếm khoảng 3,2% dân số cả nước. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 170 đơn vị cấp xã. Thành phố Biên Hòa là trung tâm hành chính của tỉnh.
Đồng Nai liền kề thành phố Hồ Chí Minh, cách Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 01 giờ đi ôtô, là một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam Việt Nam, khu vực có cơ sở hạ tầng phát triển và thuộc vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam.
2. Về lợi thế tự nhiên:
– Đồng Nai có khí hậu ôn hoà, không có bão lụt, động đất. Cao độ bình quân trên 50 m, không ngập nước.
– Các khu vực tỉnh chọn quy hoạch phát triển KCN có vị trí thuận lợi về cơ sở hạ tầng, có địa chất tốt, chi phí xây dựng công trình ít tốn kém.
3. Về cơ sở hạ tầng:
– Về cấp điện: tình hình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh trong các năm qua luôn ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội (không có cắt điện định kỳ).
– Về cấp nước: hệ thống cấp nước hiện hữu đạt trên 450.000 m3/ngày và một số nhà máy đang lập kế hoạch mở rộng công suất, đủ cung cấp nước cho dân cư đô thị và các khu công nghiệp .
– Các dịch vụ khác: Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phát triển nhanh, đảm bảo kết nối nhanh mạng internet. Hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu tài chính của nhà đầu tư.
– Về giao thông: Hệ thống đường Quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai gồm: QL.1, QL.1K, QL.20, QL.51, QL.56 và cao tốc Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Đây là hệ thống giao thông đối ngoại quan trọng của tỉnh, kết nối tỉnh với các tỉnh lân cận, thúc đẩy giao lưu và trao đổi kinh tế. Tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 87,5 km với 8 ga gồm: Trảng Táo, Gia Ray, Bảo Chánh, Long Khánh, Dầu Giây, Trảng Bom, Hố Nai và Biên Hòa. Trong đó, Ga Biên Hòa và Long Khánh là ga chính.
Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang triển khai thi công, với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F, gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tỉnh Đồng Nai có các cảng đang hoạt động: Cảng Đồng Nai, cảng Gò Dầu. Tỉnh đang chuẩn bị mặt bằng để triển khai xây dựng cảng Phước An (cho tàu có trọng tải 60.000 DWT) và cụm cảng biển nhóm V (cho tàu có trọng tải 30.000 DWT) thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Ngoài ra kế cận tỉnh Đồng Nai còn có cụm cảng của thành phố Hồ Chí Minh, cụm cảng thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang hoạt động (Cảng Cái Mép).
Trong các năm tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai và sớm hoàn thành hệ thống các tuyến đường giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh cũng như kết nối hệ thống giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 từ Tân Vạn – Nhơn Trạch, đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, đường Dầu Giây – Đà Lạt. Đặc biệt, trong tương lai khi dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành được triển khai, tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành một trong những đô thị văn minh, hiện đại và điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
4. Về nguồn nhân lực:
Tỉnh Đồng Nai có nguồn nhân lực trẻ, năng động, có năng lực. Dân số trong độ tuổi lao động khoảng 1,9 triệu người, chiếm khoảng 62% dân số cả tỉnh, tỷ lệ lao động qua
Tỉnh Đồng Nai hiện có 07 trường Đại học, 10 trường Cao đẳng, 05 trường Trung cấp, 25 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 20 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 75 nghìn người.
5. Về an sinh xã hội:
– Bên cạnh các khu công nghiệp đều có qui hoạch vị trí để xây dựng khu nhà ở công nhân và dịch vụ khép kín như siêu thị, quán ăn, trường học, y tế, thể dục thể thao. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Công ty hạ tầng và các nhà đầu tư xây dựng công trình phục vụ chuyên gia và công nhân. Nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân được miễn tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Các cơ sở giáo dục, y tế được tỉnh quan tâm đầu tư. Tại Đồng Nai đã có trường quốc tế cho học sinh từ mẫu giáo trở lên.
6. Về hỗ trợ nhà đầu tư:
– Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư đúng thời gian quy định.
– Tỉnh Đồng Nai thường xuyên tổ chức buổi gặp gỡ giữa đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, Ban ngành của tỉnh và đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn nhằm thông tin tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phổ biến đến doanh nghiệp các quy định mới, một số nội dung cải cách quan trọng liên quan đến môi trường đầu tư và trao đổi giải đáp các vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
– Tỉnh Đồng Nai đã thành lập Ban hành động hỗ trợ doanh nghiệp do lãnh đạo tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
II. Đồng Nai năng động phát triển kinh tế:
1. Công nghiệp phát triển mạnh:
Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước với 35 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích trên 12.055 ha, trong đó có 32 khu công nghiệp đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và thu hút được trên 84% diện tích đất cho thuê. Phần diện tích đất dành cho thuê còn lại trong các khu công nghiệp đang sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư.
Đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Đồng Nai với trên 1.545 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ USD.
2. Tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp:
Đất canh tác nông nghiệp tại Đồng Nai khá phong phú với nhiều loại đất tốt, chiếm phần lớn diện tích, thích hợp cho phát triển các cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới có giá trị kinh tế cao. Diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái là trên 190.000 ha, các loại cây trồng chủ yếu là cao su, điều, cà phê, tiêu, xoài, bưởi. Trong đó Bưởi Tân Triều của Đồng Nai là đặc sản nổi tiếng và đăng ký thương hiệu.
Bên cạnh các loại cây lâu năm, diện tích đất trồng cây hàng năm trên 60.000 ha. Đồng Nai là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất thức ăn chăn nuôi và số trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, là nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến thực phẩm.
Rừng Đồng Nai có đặc trưng cơ bản của rừng nhiệt đới, có tài nguyên động thực vật phong phú đang dạng, tiêu biểu là Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới
3. Thương mại tăng trưởng nhanh:
Đồng Nai xuất khẩu chủ yếu các loại sản phẩm nông nghiệp như mủ cao su sơ chế, cà phê, lạc nhân, hạt điều nhân, bắp, thực phẩm chế biến, một số sản phẩm công nghiệp như giày dép các loại, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm gốm sứ; dây điện và dây cáp điện…
Nhập khẩu chủ yếu là các loại vật tư nguyên liệu như phân bón, xi măng, sắt thép xây dựng, phụ tùng thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất, hóa chất và các sản phẩm hóa chất, xăng dầu các loại…
4. Các dịch vụ phục vụ và du lịch nhiều tiềm năng:
Bên cạnh tiềm năng phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, Đồng Nai còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa –nhân văn; có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ như: Vườn quốc gia Cát Tiên, núi Chứa Chan, sông Đồng Nai, hồ Trị An, Thác Mai – Bàu nước sôi, 57 di tích được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh và 1500 di tích phổ thông khác… Là điều kiện rất lý tưởng cho các nhà đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch như: sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nghiên cứu, khám phá, văn hóa… Đây là một thế mạnh của Đồng Nai so với các địa phương khác trong việc thu hút các nhà đầu tư du lịch.
Ngoài ra, Đồng Nai đang phát triển nhanh các dự án nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học, các dịch vụ tài chính ngân hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, siêu thị, sân golf … đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư.
III. Định hướng thu hút đầu tư:
1. Địa bàn mời gọi đầu tư:
Đồng Nai ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn thành phố Long Khánh, các huyện Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. Riêng dự án đầu tư sản xuất công nghiệp nhà đầu tư phải vào khu công nghiệp theo quy hoạch được duyệt.
2. Lĩnh vực mời gọi đầu tư:
Tiếp tục định hướng về ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện tại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; chú trọng thu hút các dự án lớn, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các cơ quan, trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh Đồng Nai gắn với việc đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm cơ hội đầu tư vào tất cả các ngành nghề phù hợp các cam kết của Chính phủ đối với quốc tế, trong đó đặc biệt quan tâm mời gọi đầu tư các dự án thuộc ngành nghề sau đây:
a) Công nghiệp:
– Dự án sử dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ.
– Phát triển công nghiệp hỗ trợ: sản xuất chi tiết, linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện tử – tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, may giày, sản xuất công nghiệp phục vụ hàng không, sửa chữa máy bay. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
– Sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, các dự án thân thiện với môi trường.
– Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm phần cứng, phần mềm.
b) Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến:
– Sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học.
– Sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo thực phẩm an toàn.
– Dự án chế biến nông sản thực phẩm.
– Dự án trồng, sản xuất dược phẩm, dược liệu.
c) Các lĩnh vực khác:
– Hạ tầng kỹ thuật: Đầu tư cầu, đường giao thông, cảng biển, logistics, hệ thống cấp thoát nước.
– Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực: giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao, du lịch, văn hóa kết hợp du lịch, nhà ở xã hội, dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, dự án khu đô thị thông minh…
– Các dự án thương mại dịch vụ: Trung tâm thương mại, Chuỗi cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng Outlet…
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh