Mùa xuân mới đã về tràn ngập trong không khí vui tươi, phấn khởi. Đây cũng là thời điểm càng trở nên ý nghĩa hơn với văn nghệ sĩ, nhất là những người tuổi Tỵ.
Nhà thơ Minh Hạ (bìa phải) đi thực tế sáng tác, tìm hiểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Thống Nhất. Ảnh: L.Na |
Họ luôn xem năm tuổi là năm mang đến những nguồn năng lượng mới để sáng tác thêm nhiều tác phẩm hay hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) của các tầng lớp nhân dân.
Sáng tạo nhiều tác phẩm mới
Năm 2025, nghệ sĩ – biên đạo múa Thân Thế Thời tròn 72 tuổi. Hơn 50 năm đến với nghệ thuật, ông đã chinh phục hàng chục giải thưởng lớn của Trung ương, của tỉnh qua các kỳ liên hoan, hội diễn. Ở thời điểm hiện tại, ông vẫn hăng say hoạt động, chưa cho phép mình nghỉ ngơi mà dành nhiều thời gian, nhiệt huyết truyền nghề cho lớp trẻ kế cận.
Có gần 15 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Đồng Nai, nghệ sĩ Thân Thế Thời đã phát huy vai trò cầu nối, gắn kết các nghệ sĩ múa trong tỉnh. Đồng thời, mở rộng mối quan hệ với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, tạo một nền tảng vững chắc cho việc phát triển nghệ thuật múa Đồng Nai. Đặc biệt, ở Đồng Nai đã bảo tồn và phát huy các điệu múa dân gian của các dân tộc thiểu số, trở thành một phần không thể thiếu trong các sự kiện văn hóa, lễ hội của tỉnh; góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của nghệ thuật dân gian trong xã hội hiện đại.
“Năm mới đến, tôi mong đời sống nghệ thuật sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn. Mùa xuân bao giờ cũng nhiều cảm hứng nên nhất định tôi sẽ “đi” để lấy cảm hứng sáng tạo các tác phẩm mới, “đi” để trao truyền kinh nghiệm, để đưa múa Đồng Nai vươn lên, hội nhập trong nước và thế giới” – nghệ sĩ Thân Thế Thời chia sẻ.
Là một trong những người tuổi Tỵ, nhà thơ Minh Hạ cho biết, các cụ ngày xưa hay dặn phải kiêng kỵ trong năm tuổi như: tránh va chạm, tránh đi xa… để có cuộc sống an yên. Tuy nhiên, những chuyện đó nằm ngoài văn chương. Nhà thơ Minh Hạ chỉ sợ bản thân mình không đủ sức khỏe để đi trải nghiệm, không đủ thời gian, không đủ nhiệt huyết để viết, bởi bà còn rất nhiều dự định.
Nhà thơ Minh Hạ bộc bạch: “Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, tôi mong tiếp tục được cống hiến nhiều hơn, có được các sáng tác mới, các bài thơ chất lượng, giá trị đóng góp cho đời sống văn hóa, VHNT của tỉnh nhà. Tôi không dám nói trước điều gì, sợ lại “bước không qua”. Nhưng như nhiều bạn văn khác, tôi cũng mong năm nay mình tiếp tục ra tập thơ mới. Qua đó, khắc họa hình ảnh con người, bản sắc văn hóa Đồng Nai…”.
Năm 2025 là năm tròn 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (1975-2025). Đây là thời điểm văn nghệ sĩ tuổi Tỵ nói riêng, văn nghệ sĩ Đồng Nai nói chung tiếp tục nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy năng lực sáng tạo, cho ra đời các tác phẩm, công trình có giá trị, làm phong phú thêm sự nghiệp VHNT tỉnh nhà, tạo vị thế xứng đáng trong nền VHNT Việt Nam.
Góp phần quảng bá và lan tỏa hình ảnh đất và người Đồng Nai
Bén duyên với nghệ thuật nhiếp ảnh từ chồng – nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hòa, song bằng tình yêu và sự tìm tòi, học hỏi không ngừng, tác giả Hoàng Thùy Hương, người phụ nữ tuổi Đinh Tỵ 1977, đã nhanh chóng khẳng định được phong cách riêng. Chị đi rất nhiều, say sưa chụp thiên nhiên, đất nước, con người và các di sản, lưu giữ hồn cốt quê hương, truyền thống văn hóa của các dân tộc. Bởi vậy, mỗi tác phẩm của chị là một câu chuyện trên hành trình khám phá cái đẹp, được ghi lại qua ống kính nhiếp ảnh.
Hơn 10 năm tham gia Phong trào Nhiếp ảnh Đồng Nai, nhiều ảnh đẹp của tác giả Hoàng Thùy Hương góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất và người Đồng Nai. Nhiều tác phẩm của chị đoạt giải cao trong các cuộc thi, góp phần khơi gợi cảm hứng sáng tạo và giúp mọi người nhìn thấy vẻ đẹp tiềm ẩn trong cuộc sống xung quanh.
Ở tuổi 36, nghệ sĩ Đinh Thị Thương Huyền (sinh năm Kỷ Tỵ – 1989) gặt hái nhiều thành công trên con đường nghệ thuật. Nổi bật như: huy chương vàng Cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc năm 2012; huy chương bạc Liên hoan Đàn hát dân ca 3 miền năm 2016; huy chương bạc Hội diễn Văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019… Đặc biệt, chị là một trong những người trẻ tích cực kết nối, đưa âm nhạc dân tộc – đàn tranh đến với nhiều quốc gia trên thế giới như: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Nghệ sĩ Thương Huyền chia sẻ: “Với những kinh nghiệm học hỏi từ thầy cô, bạn bè và từ thực tế cuộc sống trong suốt thời gian qua, Huyền đã và đang tiếp tục cố gắng, sáng tạo ra nhiều phương thức biểu diễn mới cho đàn tranh. Qua đó, truyền đạt đến các học sinh, sinh viên, góp phần vào gìn giữ, phát triển âm nhạc Đồng Nai nói riêng, của dân tộc nói chung”.
Với việc sáng tạo, quảng bá và lan tỏa tác phẩm VHNT Đồng Nai trong năm mới Ất Tỵ 2025, tin rằng những ước vọng của các văn nghệ sĩ sẽ trở thành hiện thực, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202502/van-nghe-si-tuoi-ty-va-uoc-vong-dau-xuan-71f55b7/