Sức lan tỏa từ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn Đồng Nai thời gian qua đã và đang trở thành món ăn tinh thần, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Hai biểu diễn trong Chương trình Giao lưu đờn ca tài tử huyện Nhơn Trạch năm 2024. Ảnh: L.Na |
Từ phong trào xuất hiện nhiều “hạt nhân” văn nghệ là lực lượng nòng cốt của văn hóa cơ sở, góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.
Những “hạt nhân”…
Yêu ca hát và có giọng ca ngọt ngào, nhiều năm nay bà Nguyễn Thị Hai (ngụ ấp Bình Phú, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) tích cực tham gia và gắn bó với hoạt động văn nghệ ở địa phương. Bởi đam mê nhạc tài tử, bà Hai gia nhập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử (ĐCTT) huyện Nhơn Trạch và trở thành một trong những gương mặt quen thuộc trên sân khấu mỗi lần giao lưu, biểu diễn ĐCTT của huyện, của tỉnh.
Bà Hai cho biết, yêu thích ca hát, đam mê nhạc tài tử nên dù tuổi cao bà vẫn rất thích tham gia các hoạt động. Đặc biệt, bà chủ động tìm tòi các bài bản mới sáng tác về quê hương, vùng đất, con người Nhơn Trạch – Đồng Nai để biểu diễn. Tuy việc học bài bản mới sẽ khó hơn so với những bài bản sẵn có song với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử hiện đại đã giúp bà tự tin hơn trên sân khấu.
“Tham gia các hoạt động văn nghệ ở địa phương đối với tôi như một món ăn tinh thần để sống vui, sống khỏe. Ngoài ĐCTT, tôi có thể hát cải lương, bolero… Tất cả đều lấy cảm hứng từ đời sống thường ngày, từ tình yêu. Những bài ca ấy không chỉ là niềm tự hào của tôi và người dân Nhơn Trạch, mà còn thôi thúc mọi người ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước” – bà Hai nói.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Tây Ninh nhưng bén duyên với vùng đất Đồng Nai, anh Nguyễn Thanh Hiếu trở thành “cây văn nghệ” năng động, nhiệt tình trên địa bàn huyện Long Thành. Anh Hiếu hiện là thành viên Câu lạc bộ ĐCTT huyện Long Thành. Không chỉ hát nhạc tài tử, cải lương, anh Hiếu còn có thể biểu diễn nhiều dòng nhạc khác như: nhạc trẻ, trữ tình… Anh thường tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ của huyện, của tỉnh, đoạt nhiều giải cao.
Mặc dù tham gia hoạt động phong trào, song theo anh Hiếu, anh có cơ hội biểu diễn rất nhiều hoạt động phục vụ các sự kiện trong và ngoài huyện. Anh cùng với các thành viên trong Câu lạc bộ ĐCTT huyện Long Thành thường xuyên đi biểu diễn phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Anh Hiếu bộc bạch: “Đi biểu diễn phục vụ bà con không chỉ giúp tôi có những trải nghiệm mới mà qua đó còn truyền lửa phong trào, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân”.
Để động viên các hạt nhân văn nghệ cơ sở, thời gian qua, ngành văn hóa đã có những đề xuất trong xét tặng các danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú; đồng thời, trao tặng giấy khen, bằng khen của ngành, của tỉnh cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển phong trào ở địa phương.
Lan tỏa trong cộng đồng
Cũng như bà Hai, anh Hiếu, bà Hoàng Thị Hải (ngụ khu phố 3, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) là một trong những gương mặt tiêu biểu trong các phong trào văn nghệ quần chúng ở thành phố Biên Hòa. Vừa có chất giọng tốt, vừa am hiểu các điệu múa dân gian dân tộc, bà Hải dàn dựng, biên đạo nhiều chương trình văn nghệ tham gia các hội thi, hội diễn trong, ngoài tỉnh và phục vụ người dân địa phương.
Theo bà Hoàng Thị Hải, phần lớn tiết mục, chương trình bà biên đạo thuộc thể loại dân ca quan họ và hát chèo. Việc đưa văn hóa truyền thống lên sân khấu cốt yếu để góp phần vào việc phát huy, gìn giữ và lan tỏa những làn điệu dân ca của dân tộc trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai hôm nay.
Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh Cao Thép cho hay, để tìm kiếm các “hạt nhân” nòng cốt cho hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở, từ đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, thu hút nhân dân tham gia. Các hội thi, hội diễn là cơ sở quan trọng để đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa, văn nghệ.
“Các hạt nhân văn nghệ tiêu biểu là những tấm gương sáng, được khẳng định trên thực tiễn hoạt động tại cơ sở. Họ đã và đang phát huy năng lực sáng tạo trên nhiều lĩnh vực như: ca hát, biên đạo, dàn dựng chương trình, sáng tác kịch bản… Từ đó, góp phần xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện” – ông Thép nói.
Cũng theo ông Cao Thép, hiện các thiết chế văn hóa đã đầu tư trang thiết bị khang trang với hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn ghế… cơ bản đáp ứng yêu cầu tập luyện, biểu diễn của các đội văn nghệ. Chính những yếu tố này góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ ở cơ sở phát triển, có nhiều “hạt nhân” làm nòng cốt. Họ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh và các đơn vị nghệ thuật giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát huy lực lượng cộng tác viên trong các ngành, đoàn thể ở địa phương.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202409/van-nghe-hay-nho-hat-nhan-nong-cot-63a6e01/