Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, những năm qua, Đồng Nai luôn quan tâm phát triển văn hóa, xem văn hóa là nền tảng tinh thần to lớn trong sự phát triển bền vững chung của tỉnh.
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn, phục vụ nhân dân năm 2024. Ảnh: L.NA |
Một trong những quan điểm phát triển Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và là mục tiêu quan trọng nhất của sự phát triển.
Coi con người, văn hóa là trung tâm phát triển
Xác định phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người, xây dựng văn hóa cũng chính là xây dựng con người Biên Hòa – Đồng Nai ngày càng phát triển toàn diện, thời gian qua, thành phố Biên Hòa đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp các không gian văn hóa, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân. Đặc biệt, thành phố chú trọng phát triển các không gian văn hóa gắn kết với dòng sông Đồng Nai, gắn với các mảng xanh của công viên, bảo tồn làng nghề, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa…
Theo quy hoạch phát triển hạ tầng văn hóa, TDTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh được đầu tư, nâng cấp đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đồng thời, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các thiết chế. Tại mỗi huyện, thành phố dành ít nhất 6 hécta đất để xây dựng các công trình thể thao, có thể lồng ghép trong khu văn hóa TDTT.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, việc xây dựng văn hóa được thành phố xác định gắn với phát triển con người Biên Hòa – Đồng Nai. Không chỉ đầu tư nâng cấp các công viên, tổ chức các chương trình tham quan các di tích, mà thành phố còn chú trọng tổ chức đa dạng hoạt động văn hóa, thể thao. Từ nay đến cuối năm, thành phố tổ chức một chuỗi các hoạt động: Festival Sách Biên Hòa 2024, xây dựng Con đường di sản Biên Hòa – Đồng Nai, xây dựng không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa tại tuyến đường Phan Trung… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Là tỉnh có khoảng 1,3 triệu công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa cho công nhân lao động.
Theo thạc sĩ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, bên cạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho đối tượng này, cần thiết xây dựng nhà trưng bày để bảo tồn di sản văn hóa công nhân, công nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Nhà trưng bày không chỉ gắn kết với các thiết chế văn hóa xung quanh, mà còn góp phần tôn vinh giai cấp công nhân Đồng Nai.
Phát triển Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm lấy giá trị văn hóa là một trụ cột trong phát triển bền vững; nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo môi trường sống tốt nhất để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại Đồng Nai.
Cũng bởi lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa, xây dựng và phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Toàn tỉnh hiện có gần 900 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Hàng năm, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đào tạo khoảng 200 học sinh, sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn…
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập, số lượng công chức văn hóa – xã hội của huyện, các xã, phường, thị trấn quá ít so với yêu cầu và khối lượng công việc của địa phương. Công chức văn hóa ngoài thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch, còn kiêm nhiệm lĩnh vực thông tin truyền thông, chuyển đổi số. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực làm công tác văn hóa ở cơ sở cần được triển khai, đảm bảo tổ chức, thực hiện có hiệu quả các hoạt động.
Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng văn hóa
Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho hay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã và đang được quan tâm đầu tư, nâng cấp thường xuyên, về cơ bản đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, rèn luyện thể chất của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 11 trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; 154/170 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao – học tập cộng đồng; 859/928 ấp, khu phố có nhà văn hóa – khu thể thao và 14 nhà văn hóa dân tộc.
Công tác quy hoạch, bố trí đất và xây dựng các công trình thể dục, thể thao (TDTT) phục vụ hoạt động thể thao quần chúng được triển khai từ tỉnh đến cơ sở. 100% huyện, thành phố đã thực hiện quy hoạch đất cho TDTT (trung bình đạt 2,35m2/người). Các trung tâm, điểm hoạt động vui chơi giải trí, tham quan du lịch phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho các tầng lớp nhân dân được khuyến khích thành lập và không ngừng gia tăng. Nhiều địa phương thực hiện tốt các hình thức xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, cung ứng các dịch vụ thể thao.
Theo Phòng Văn hóa và thông tin huyện Định Quán, công tác xã hội hóa tại hệ thống thiết chế văn hóa đã và đang được địa phương đẩy mạnh. Trên địa bàn huyện có 7/13 trung tâm văn hóa, thể thao – học tập cộng đồng đã thực hiện được công tác xã hội hóa, trên 50% số nhà văn hóa đã vận động được nguồn lực cho việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị… phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, luyện tập TDTT của người dân.
Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Trần Đức Hòa cho biết, việc quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Thống Nhất thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, địa phương đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp về công tác quy hoạch đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Trong đó, đến năm 2030, đất xây dựng cơ sở văn hóa là 25,98 hécta, chiếm 1,13% đất phát triển hạ tầng, tăng 0,24 hécta so với năm 2020; đất xây dựng cơ sở TDTT là 11,42 hécta, chiếm 0,5% phát triển hạ tầng, tăng 0,31 hécta so với năm 2020.
Chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa
Với nguồn tài nguyên phong phú, Đồng Nai có nhiều thế mạnh để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa, tạo ra sức sống mới cho di sản, khai thác tốt vốn văn hóa truyền thống, tôn vinh các nghề thủ công, ẩm thực. Trong đó, Đồng Nai chú trọng phát triển du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống…
Người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia đồng diễn thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. |
Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2024, du lịch Đồng Nai đón khoảng 2,7 triệu lượt khách, tăng 21% và doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1,8 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, Đồng Nai đã huy động trên 1 ngàn tỷ đồng vốn ngoài nhà nước để đầu tư nâng cấp khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và bổ sung các dịch vụ vui chơi giải trí, đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, Đồng Nai đã quy hoạch 129 vị trí để mời gọi đầu tư phát triển du lịch trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, để thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đảm bảo chất lượng và hiệu quả, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu về văn hóa, con người Đồng Nai; gắn kết chặt chẽ giữa khai thác các giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đồng thời, ứng dụng các thành tựu của khoa học – công nghệ trong sản xuất sản phẩm, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của nhân dân.
Ly Na
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202410/van-hoa-la-nen-tang-tinh-than-to-lon-trong-phat-trien-ben-vung-74c75f9/