Dựa vào tiềm năng, lợi thế của mình, thời gian qua, huyện Trảng Bom ngày càng có nhiều mô hình kinh tế tập thể đóng góp quan trọng vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên.
Cán bộ của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Đồng Nai và Hội Nông dân huyện Trảng Bom khảo sát mô hình ươm cây giống tại một tổ hợp tác ở xã Sông Trầu. Ảnh: Văn Gia |
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) nói riêng, kinh tế tập thể nói chung cũng còn nhiều khó khăn. Để hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, huyện Trảng Bom đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.
* HTX phát triển hiệu quả
Toàn huyện Trảng Bom có 57 HTX và quỹ tín dụng nhân dân; trong đó có 54 HTX, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Nhiều đơn vị trong số đó sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương.
HTX Dịch vụ vận tải Thống Nhất đứng chân trên địa bàn huyện có thời gian hoạt động hơn 45 năm, là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển mô hình kinh tế tập thể của Đồng Nai. Từ một đơn vị nhỏ, HTX này đã từng bước phát triển, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của mình. Hiện nay, HTX Dịch vụ vận tải Thống Nhất trở thành đơn vị có tiếng ở lĩnh vực dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh với số lượng phương tiện có lúc lên tới hơn 1 ngàn xe.
Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Thống Nhất Nguyễn Xuân Thiện cho rằng, việc nỗ lực nâng cao trình độ, nhất là đội ngũ cán bộ, quản lý trẻ để theo kịp sự phát triển của xã hội là rất cần thiết.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX Thanh Bình có nhiều thành công trong việc làm mã số vùng trồng chuối xuất khẩu; đã đầu tư dây chuyền thu hoạch chuối, hệ thống kho lạnh, các máy móc sơ chế, chế biến… Trung bình mỗi năm, HTX này xuất khẩu được 3-5 ngàn tấn chuối tươi sang các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu. Đồng thời, đơn vị cũng có 120 hécta chuối canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất bình quân thu hoạch chuối từ 45-52 tấn/hécta, tạo việc làm thường xuyên cho 80-100 lao động tại địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì việc phát triển kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Theo đó, cán bộ phụ trách quản lý kinh tế tập thể cấp huyện, xã còn kiêm nhiệm nhiều công việc, lại thường xuyên thay đổi. Việc liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chưa nhiều và chưa mang tính ổn định. Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ; các vấn đề liên quan đến tuân thủ hợp đồng liên kết – tiêu thụ chưa được thực hiện chặt chẽ.
* Ươm mầm cho các HTX
Không chỉ xây dựng được số lượng đáng kể các HTX, thời gian qua, huyện Trảng Bom đã nỗ lực tập hợp các hộ sản xuất lại với nhau theo mô hình tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp… Đến nay, toàn huyện có 68 tổ hợp tác với hơn 1,1 ngàn thành viên. Quy mô của các tổ hợp tác có hơn 11 ngàn hécta đất sản xuất, lợi nhuận bình quân khoảng 133 triệu đồng/hécta/năm. Ngoài ra, còn có 8 câu lạc bộ sản xuất với 205 thành viên tham gia.
Ngoài huy động các nguồn lực từ xã viên, một số HTX đã chủ động tìm nhiều nguồn vốn khác nhau để phát triển sản xuất, kinh doanh, bước đầu tạo được mối liên kết sản xuất với doanh nghiệp cùng ngành nghề. Nhiều HTX phát huy được tối đa vai trò hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế cá thể, góp phần chuyển dịch kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. |
Năm 2023, Hội Nông dân huyện Trảng Bom đã thành lập được 3 chi hội nông dân nghề nghiệp tại các xã: Sông Trầu, Trung Hòa và Đông Hòa. Đến nay, toàn huyện có 13 chi hội nông dân nghề nghiệp với 231 thành viên. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện cũng hướng dẫn thành lập 10 tổ hội nông dân nghề nghiệp, đưa số lượng tổ hội nông dân nghề nghiệp của toàn huyện lên con số 25, với 243 thành viên.
Sau khi thành lập, Hội Nông dân huyện đã tập trung hỗ trợ các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác và HTX tổ chức hội thảo, tham quan học tập các mô hình, cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, liên kết mua phân hữu cơ trả chậm. Nhìn chung, từ khi thành lập, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động ổn định, phát triển tốt; các tổ viên hoạt động tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom Từ Đức Bình chia sẻ, các tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nói trên được coi là nguồn để xây dựng HTX trong tương lai, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể. Do đó, Hội Nông dân huyện cùng các đơn vị liên quan sẽ nỗ lực tạo điều kiện để các tổ chức này liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng sức mạnh tập thể để có thể triển khai những hoạt động sản xuất chung một cách hiệu quả hơn. Năm 2024, huyện phấn đấu thành lập được chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp ở 50% các HTX, tổ hợp tác tại địa phương.
Văn Gia