Thời gian qua, Đồng Nai tập trung phát triển các mô hình kinh tế số, đẩy mạnh các tiện ích về thanh toán, tiêu dùng trên các nền tảng số đến người dân.
Nhân viên của Điện lực Biên Hòa hỗ trợ khách hàng cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng của EVN trong đó tích hợp nhiều tính năng về tra cứu chỉ số điện, thanh toán tiền điện trực tuyến… Ảnh: Hải Hà |
Trong đó, nhiều lĩnh vực kinh tế số đã được tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06).
Đẩy mạnh kết nối dữ liệu
Hiện nay, ngành ngân hàng trong tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm các tiện ích chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng; ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử đối với các hoạt động của lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Theo thống kê, tính đến nay, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đã hoàn thành đối chiếu dữ liệu của 42 triệu hồ sơ khách hàng, đang tiếp tục phối hợp làm sạch thêm khoảng 6,5 triệu hồ sơ khách hàng. 53 ngân hàng đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để triển khai giải pháp xác thực khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip, trong đó có 9 ngân hàng đã triển khai thực tế. 19 ngân hàng đang triển khai kết nối ứng dụng VNeID, trong đó 3 ngân hàng đã hoàn hành thử nghiệm đối với dịch vụ mở tài khoản thanh toán…
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, ngành ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai làm sạch dữ liệu thông qua đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư và khai thác thông tin căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh và xác thực điện tử VNeID trong xác minh chính xác thông tin nhận biết khách hàng, qua đó góp phần tăng cường an ninh, an toàn trong quá trình phổ cập thanh toán số…
Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Đức Toàn chia sẻ, hệ thống BIDV luôn là ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số và chi nhánh Đồng Nai là một trong những chi nhánh thực hiện thành công công tác chuyển đổi số cho gần như toàn bộ khách hàng tại chi nhánh.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trong thời gian tới, việc xác thực khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng sẽ thực hiện dựa trên việc xác thực căn cước công dân thông qua các thiết bị, các giải pháp được Bộ Công an cấp phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an để tháo gỡ các khó khăn, hoàn thiện thể chế để đưa vào sử dụng thực tế. Giải pháp này sẽ đảm bảo xác thực đúng được khách hàng và đảm bảo dữ liệu an toàn, bảo mật và chuẩn theo dữ liệu quốc gia về dân cư.
Phát triển hệ sinh thái số
Việc làm sạch dữ liệu sẽ góp phần tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia các giao dịch trực tuyến, mà đặc biệt là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội để phát triển các kênh thanh toán, dịch vụ ngân hàng số, tiêu dùng số
Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết thêm, một số sản phẩm số tiêu biểu, điển hình mà BIDV chi nhánh Đồng Nai đang triển khai như: sản phẩm BIDV SmartBanking thế hệ mới cung cấp hệ sinh thái số dành cho khách hàng cá nhân. Ứng dụng này liên tục được nâng cấp với tốc độ trung bình 45 ngày/phiên bản, luôn được bổ sung nhiều tính năng tiện lợi, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Ngoài ra, sản phẩm Ibank, Omni Ibank (hợp nhất nền tảng web và mobile app) liên tục được nâng cao trải nghiệm, bổ sung nhiều tiện ích, hướng đến hệ sinh thái dành cho doanh nghiệp.
Trong những năm qua, nhiều công ty, doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng dịch vụ, bán lẻ trong tỉnh đã nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề để phát triển kinh tế số, thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số, thương mại điện tử. Các mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…
Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) Phạm Viết Ái cho hay, tính đến nay, công ty đã cung cấp 100% các dịch vụ điện trực tuyến trên nhiều nền tảng như ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị thông minh, trên website của ngành điện hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia cho phép khách hàng có thể đăng ký sử dụng dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi. Các yêu cầu về cấp điện và dịch vụ điện của khách hàng được nhân viên điện lực thực hiện thông qua phần mềm quản lý kinh doanh và các ứng dụng hiện trường, qua đó rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Trong đó, 100% dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 được cung cấp cho các khách hàng khi thực hiện giao dịch; 100% hồ sơ công việc trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng được xử lý trên mạng theo phương thức điện tử; số hóa 100% hồ sơ, hợp đồng với khách hàng mới bằng phương thức cung cấp hợp đồng mua bán điện điện tử…
Hải Quân