Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố Long Khánh đã có những chuyển biến tích cực. Ngày càng có nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ứng dụng máy móc công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm giá trị cao.
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Liên Khanh (thành phố Long Khánh), đơn vị được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công. Ảnh: V.Gia |
Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN, cơ sở sản xuất đang gặp khó khăn do thiếu nguồn lực, vướng cơ chế, chính sách nên chưa chuyển đổi công nghệ. Do đó, các DN rất cần hỗ trợ, tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước trong chuyển đổi sang sản xuất xanh để mở rộng thị trường.
* Nhân rộng mô hình hiệu quả
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Long Khánh đã triển khai 13 mô hình khuyến nông, trong đó có 8 mô hình trồng trọt và 5 mô hình chăn nuôi. Trên cơ sở những mô hình sản xuất hiệu quả, thành phố xây dựng và triển khai nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp. Thành phố chú trọng hỗ trợ các nhà vườn, cơ sở, DN xây dựng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói để sản phẩm nông nghiệp đảm bảo điều kiện xuất khẩu đi các nước. Có khoảng 47,5 hécta chôm chôm, 345 hécta sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, có 10 mã số nhà đóng gói đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, hàng năm, thành phố phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh tiến hành khảo sát để xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công. Trong đó, việc hỗ trợ DN trên địa bàn thay thế, đổi mới dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại đã mang lại những kết quả khá tốt. Đến nay, đã có 6 DN được hưởng lợi từ nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công với gần 1,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Công Thụy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Liên Khanh, cho biết công ty chuyên sản xuất, chế biến phôi gỗ từ cây lâu năm như: cao su, điều, tràm… Năm 2020, DN được khuyến công địa phương hỗ trợ 450 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy móc nhà xưởng. Số vốn hỗ trợ này đã tạo thêm nguồn lực để DN có thể tiếp tục phát triển, vượt qua giai đoạn khó khăn khi kinh tế thế giới suy giảm.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn được hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài địa phương. Đồng thời, nhiều sản phẩm của các DN, cơ sở sản xuất cũng được triển khai đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Điều đó giúp cho sản phẩm, thương hiệu của các cơ sở này từng bước được khẳng định trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
* Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Theo UBND thành phố Long Khánh, DN, người dân ngày càng nâng cao nhận thức và chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, thành phố cần thêm những DN lớn trong nước, nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết nối với các DN, cơ sở trên địa bàn để hình thành chuỗi phát triển bền vững, nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Thành phố Long Khánh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi về tài chính, cơ chế để các DN, cơ sở sản xuất đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Đồng thời, kiến nghị Sở Khoa học và công nghệ cùng các viện, trường tư vấn, hỗ trợ cho DN, cơ sở, nhà vườn trong việc ứng dụng công nghệ cao vào thu hoạch nông sản, chế biến sâu.
Long Khánh được coi là vựa trái cây của Đồng Nai nên rất cần thu hút các dự án chế biến sâu về nông sản. Ảnh: Minh Sang |
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Bùi Quốc Thể, thành phố là “thủ phủ” trái cây của vùng Đông Nam Bộ nhưng với đặc tính chỉ thu hoạch một mùa nên rất khó thu hút DN đầu tư nhà máy chế biến sâu. Đây là khó khăn lớn của địa phương trong việc nâng cao giá trị cho nông sản. Nếu muốn nông sản có đầu ra ổn định, giá cao thì phải xây dựng chuỗi trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến sâu để hướng đến xuất khẩu. Vì thế, thành phố mong muốn tỉnh hỗ trợ trong xúc tiến đầu tư và thương mại để hình thành các chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Mới đây, khi làm việc với Long Khánh để hướng dẫn các hoạt động trong lĩnh vực khoa học – công nghệ trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Lại Thế Thông khẳng định, sở sẽ hỗ trợ địa phương trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Để có được những chương trình phù hợp, Sở Khoa học và công nghệ, UBND thành phố Long Khánh cần phối hợp với các đơn vị, trung tâm khoa học. Trong đó, Long Khánh phải chủ động đặt hàng các nhiệm vụ khoa học – công nghệ để giải quyết những vấn đề thành phố đang cần và mong muốn hỗ trợ.
Văn Gia