(ĐN)- Sáng 6-9, đoàn giám sát do Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quản Minh Cường dẫn đầu đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục việc làm, quản lý lao động và Quỹ BHXH từ năm 2020-2023 tại Sở Lao động, thương binh và xã hội (Sở LĐ-TBXH).
Cùng dự có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và đại diện các sở, ngành trong tỉnh.
Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: Lan Mai |
Theo Sở LĐ-TBXH, hiện số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là hơn 1,8 triệu người. Tổng số lao động làm việc trong các khu công nghiệp gần 564 ngàn người. Các ngành nghề thu hút nhiều lao động như: giày da, cơ khí, chế biến gỗ, may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử, gia công cơ khí…
Về nhu cầu tuyển lao động, từ năm 2020-2023, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất có nhu cầu tuyển 240 ngàn lao động tương ứng với hơn 12 ngàn vị trí việc làm; trong đó lao động phổ thông chiếm trên 88%.
Về giải quyết chế độ cho NLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho gần 238 ngàn lao động; hỗ trợ học nghề cho trên 5 ngàn người. Bên cạnh đó, tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 252 ngàn lao động.
Về kết quả đào tạo, quản lý lao động tại địa phương, đơn vị, hiện toàn tỉnh có 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong 4 năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới, đào tạo trên 297 ngàn người và có trên 260 ngàn người tốt nghiệp các khóa đào tạo.
Hiện các cơ sở đã tổ chức xây dựng lại chương trình đào tạo phù hợp với công nghệ và quy trình sản xuất của DN để hạn chế đào tạo sau tuyển dụng.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng phát biểu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: Lan Mai |
Sở LĐ-TBXH nêu khó khăn, vướng mắc về chính sách phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề còn hạn chế. Việc đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề không theo kịp tốc độ đổi mới của khoa học công nghệ…
Đại diện BHXH tỉnh cho biết, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp tục kéo dài. Theo đó, tính đến cuối năm 2023, số tiền nợ BHXH hơn 441 tỷ đồng, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm cao nhất với hơn 50%, kế đến khối DN FDI trên 29%.
Tại buổi làm việc, thành viên trong đoàn giám sát ý kiến nhiều nội dung như: vấn đề phân luồng học sinh, giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; định hướng, chuyển đổi nghề cho lao động thất nghiệp, tình trạng nợ BHXH và chính sách chuyển đổi vị trí việc làm cho lao động lớn tuổi.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường đánh giá cao kết quả nổi bật của ngành LĐ-TBXH thời gian qua. Đối với những vướng mắc, khó khăn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ngành LĐ-TBXH bám sát chức năng, nhiệm vụ, xem lại các văn bản, luật, quy định để tham mưu UBND tỉnh có hướng giải quyết phù hợp.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: Lan Mai |
Đối với công tác đào tạo nghề, đây là nội dung rất quan trọng, do đó cần xem nhu cầu của người lao động để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN hiện nay.
Đặc biệt, cần ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào công tác đào tạo các ngành để chuẩn bị nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế trong tương lai, nhất là tới đây khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường cao tốc hoàn thành.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ngành BHXH xem lại vấn đề trục lợi BHXH diễn biến phức tạp trên địa bàn, đây là vấn đề gây bức xúc hiện nay. Các ngành cần có sự quản lý chặt chẽ để hạn chế tình trạng trên.
Lan Mai
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-tinh/202409/ung-dung-chuyen-doi-so-dao-tao-cac-nganh-phuc-vu-cho-su-phat-trien-kinh-te-trong-tuong-lai-81f3c54/