Theo định hướng, huyện Long Thành sẽ phát triển thành đô thị sân bay hiện đại nhằm tập trung khai thác lợi thế quỹ đất, hạ tầng kinh tế. Địa phương này đang hỗ trợ nông dân thực hiện di dời hoặc ngưng chăn nuôi, chuyển đổi sang mô hình khác. Trong đó, trồng tre lấy măng là mô hình kinh tế hiệu quả đang được địa phương khuyến khích nhân rộng.
Vườn tre bốn mùa của gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Nhung, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành. Ảnh: Bình Nguyên |
Hợp tác xã (HTX) Thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Tâm Nhung tại xã Bàu Cạn vừa được thành lập nhằm phát triển mô hình này tại địa phương. Ngoài mục tiêu nhân rộng diện tích cây tre lấy măng, HTX còn đầu tư chế biến các sản phẩm từ măng cung cấp ra thị trường để tăng cao giá trị kinh tế cho xã viên.
* Chuyển đổi từ chăn nuôi sang trồng trọt
Chị Nguyễn Thị Thùy Nhung, Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Tâm Nhung, chia sẻ gia đình chị từng đầu tư trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn tại địa phương. Có thời điểm, tổng đàn heo của gia đình chị lên đến hơn 2 ngàn con heo thịt. Dịch tả heo châu Phi xảy ra, gia đình chị gặp khủng hoảng vì heo bị bệnh dịch buộc phải tiêu hủy. Chăn nuôi khó khăn và địa phương cũng có chủ trương ngưng chăn nuôi nên gia đình chị chuyển đổi sang trồng trọt. Trước đây, khoảng 3 hécta đất ở khu vực quanh trại chăn nuôi được gia đình chị trồng tràm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tăng thêm thu nhập. Nhưng hiệu quả kinh tế của cây tràm không cao nên gia đình chị chuyển sang trồng tre lấy măng.
Theo Phòng Kinh tế huyện Long Thành, huyện đang tập trung thực hiện ngưng chăn nuôi và di dời cơ sở chăn nuôi theo quy hoạch; đồng thời, khuyến khích nông dân chuyển đổi chăn nuôi sang các mô hình trồng trọt. Mô hình trồng tre lấy măng phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện nay là đảm bảo sản xuất an toàn và ít tốn công lao động.
|
Chị Nhung kể, qua tìm hiểu, chị biết về mô hình trồng tre bốn mùa tại tỉnh Đắk Nông do doanh nghiệp đầu tư cho nông dân hình thành vùng nguyên liệu hàng chục hécta. Mô hình này cho hiệu quả cao vì vừa bán măng tươi, vừa làm sản phẩm chế biến, thân tre được tận dụng làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
Năm 2023, gia đình chị Nhung mạnh dạn đầu tư trồng 3 hécta tre bốn mùa. Theo chị Nhung, giống tre này trồng khoảng 8 tháng là cho thu hoạch nhưng vườn tre của gia đình chị do đảm bảo về nguồn nước tưới, có nguồn phân chuồng dồi dào chăm bón nên chỉ hơn 6 tháng đã cho thu hoạch. Chị Nhung so sánh: “3 hécta đất trước đây gia đình tôi trồng tràm, bình quân mỗi năm chỉ thu được vài chục triệu đồng. Còn cây tre cho thu hoạch quanh năm, một gốc tre trưởng thành thu được từ 30-40kg măng/năm. Giờ đang mùa nắng, nguồn măng chưa dồi dào nên giá bán ra thị trường 25 ngàn đồng/kg. Do đó, trồng tre bốn mùa có thể đạt doanh thu vài trăm triệu đồng/hécta/năm”.
* Phù hợp với nông nghiệp đô thị
Theo tính toán của nông dân, đầu tư trồng tre không cần nguồn vốn quá lớn. Chi phí giống để trồng 1 hécta tre chỉ khoảng 80 triệu đồng, đầu tư hệ thống tưới tự động thêm vài chục triệu đồng/hécta… Khi mua được nguồn giống đảm bảo, giống trồng xuống tỷ lệ sống đạt trên 95%. Cây tre nhanh cho thu hoạch, rủi ro dịch bệnh hầu như không có.
Chị Nhung cho biết thêm, đây là mô hình nông nghiệp đô thị rất phù hợp với địa phương vì cây trồng dễ sống, nhanh cho thu hoạch, đặc biệt là không cần thuê lao động chăm sóc như nhiều loại cây trồng khác. Chị Nhung tính toán, một công lao động nông nghiệp tại địa phương hiện ở mức từ 300-400 ngàn đồng/ngày công mà vẫn khó tìm được người làm. Các mô hình trồng mì, trồng rau màu khác sau khi trừ chi phí nhân công hầu như không còn lợi nhuận. Trong khi đó, vườn tre rộng vài hécta, từ chăm cây, dọn vườn đến thu hoạch đều do vợ chồng chị thủng thẳng làm và không cần thuê thêm nhân công bên ngoài.
Chồng chị Nhung, anh Nguyễn Quang Trường cho hay, cây tre bốn mùa không kén đất, đất cằn, đất sỏi vẫn sinh sống. Để cây tre phát triển tốt, chỉ cần tưới nước vào mùa khô, tận dụng nguồn phân chuồng tại địa phương chăm bón cho cây. Cây trồng này nên làm theo hướng sản xuất an toàn, vì nếu sử dụng thuốc xịt cỏ cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học sẽ khiến cây bị ngộ độc. Cây tre dễ sống, dễ chăm và hầu như không có dịch bệnh, chủ yếu chỉ có một số con rầy, rất dễ xử lý nên không lo thất mùa vì dịch bệnh.
Theo chị Nhung, ngoài 3 hécta tre đang cho thu hoạch, gia đình chị đã trồng mới thêm 1 hécta và một số thành viên hợp tác tiếp tục nhân rộng diện tích. HTX Thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Tâm Nhung được thành lập với mục đích hỗ trợ cho các xã viên nhân rộng diện tích tre bốn mùa.
Theo chị Nhung, khi nhân rộng diện tích tre bốn mùa, xã viên không lo về đầu ra. Vì ngoài bán sản phẩm măng tươi, HTX có kế hoạch đầu tư chế biến, làm các sản phẩm như: măng hấp, măng sấy, kim chi măng, măng chua ngọt… HTX sẽ xây dựng thương hiệu riêng, làm sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) để nâng cao hơn giá trị cho sản phẩm. Ngoài ra, khi địa phương hình thành được vùng trồng tre bốn mùa với diện tích lớn, HTX sẽ kết nối với doanh nghiệp bao tiêu để cung cấp cho thị trường xuất khẩu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Cạn Nguyễn Thị Hạnh cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ ngưng chăn nuôi, chuyển sang phát triển trồng trọt. Mô hình trồng tre lấy măng đã được nông dân thử nghiệm, thu hoạch đạt năng suất cao, hiệu quả kinh tế tốt. Địa phương đang định hướng cho nông dân nhân rộng mô hình này.
Bình Nguyên