Sản xuất, chế biến gỗ là một trong những ngành sản xuất công nghiệp có quy mô lớn và giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ (ĐNB) được coi là “thủ phủ” sản xuất, chế biến gỗ.
![]() |
Khách tham quan khu chợ đầu mối đồ gỗ nội thất của Đồng Nai. Ảnh: V.Gia |
Sản xuất, xuất khẩu gỗ của Việt Nam nói chung, ĐNB nói riêng, trong thời gian tới vẫn có nhiều triển vọng khi nhu cầu của thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ phục hồi, cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) cũng mạnh dạn gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khác. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn không ít rủi ro, nhất là trong giai đoạn mà vấn đề phòng vệ thương mại, thuế quan giữa các quốc gia, khu vực đang leo thang căng thẳng.
Triển vọng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biến động
Năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 16,3 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Cùng với gỗ thì lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp hơn 1 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành lâm sản đạt khoảng 17,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, khả năng xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD.
Với doanh số dự đoán sẽ tăng đến 300 tỷ USD, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các DN ngành nội thất. Trong khi đó, dù Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam nhưng tổng giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường này mới chiếm tỷ trọng nhỏ so với nhu cầu nói trên. Do đó, nếu mạnh dạn ứng dụng phương thức kinh doanh mới, DN Việt hoàn toàn có thể đạt được biên độ lợi nhuận tốt hơn. Các thị trường khác như EU và Trung Quốc cũng có những lợi thế nhất định khi Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do.
Trong vùng ĐNB, tỉnh Bình Dương là “thủ phủ” xuất khẩu gỗ của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 50% của cả nước.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture (ở tỉnh Bình Dương) Huỳnh Thanh Vạn nhận định, mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD của ngành gỗ của Việt Nam có thể đạt được. Bởi vì, đơn đặt hàng của các DN cũng như S Furniture đã gia tăng hơn trong thời gian gần đây. DN kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng trưởng từ 25-30% trong năm nay.
Theo nhiều DN, bên cạnh các triển vọng, xuất khẩu gỗ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại và năng lực cạnh tranh của DN trong ngành. Đồng thời, áp lực cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp khác như: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia đòi hỏi DN Việt Nam phải chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng.
Việc xây dựng đội ngũ thiết kế, marketing chuyên nghiệp để DN có thể bán hàng trực tiếp ra nước ngoài bằng thương hiệu của chính mình được cho là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Doanh nghiệp cần liên kết, củng cố nội lực
Hiện nay, hạn chế của ngành gỗ Việt Nam là nội lực và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, những chính sách thuế quan từ thị trường nhập khẩu cũng sẽ là thách thức mà DN phải vượt qua, đòi hỏi nỗ lực hóa giải.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Nguyễn Phương, để phát triển bền vững, DN cần phải gia tăng nội lực của mình. Theo đó, ngành gỗ cần nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết DN, liên kết các hiệp hội ngành nghề chế biến gỗ tại các địa phương lại với nhau. Các giải pháp này sẽ giúp ngành sản xuất gỗ Việt Nam đáp ứng thêm những quy chuẩn ngày càng cao của thế giới, giúp nâng cao thương hiệu gỗ Việt trên thị trường.
Đối với Đồng Nai, tỉnh đã ban hành Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó, hướng đến kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, đa mục đích, đa giá trị, sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Đến năm 2025, giá trị xuất khẩu lâm sản phấn đấu đạt khoảng 2,5 tỷ USD và đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2030. Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia đầu tư, khai thác, chia sẻ lợi ích và tham gia đầu tư phát triển, khai thác giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng.
Trong khi đó, là địa phương xuất khẩu ngành gỗ lớn nhất của cả nước, Bình Dương đang nỗ lực thực hiện các giải pháp xuất khẩu ngay từ đầu năm.
Theo ông Bùi Như Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động ngành gỗ. Đây là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ DN giải quyết vấn đề thiếu hụt đối với các vị trí yêu cầu trình độ kỹ thuật cao như thiết kế, vận hành máy móc hiện đại trong ngành gỗ, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Văn Gia
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202502/trien-vong-cua-nganh-go-trong-nam-2025-8437763/