Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, hoạt động thương mại trong nước cũng chịu nhiều ảnh hưởng, xúc tiến thương mại (XTTM) được xem là giải pháp, bệ đỡ giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi, mở rộng thị trường trong nước, xuất khẩu…
Doanh nghiệp, hợp tác xã của Đồng Nai tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương năm 2024. Ảnh:Hải Quân |
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình XTTM tỉnh Đồng Nai năm 2025.
Đa dạng các hoạt động kết nối giao thương
Theo Chương trình XTTM tỉnh Đồng Nai năm 2025, đối tượng được hỗ trợ là những DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất – kinh doanh, hộ nông dân, trang trại tham gia chương trình XTTM của tỉnh có nhu cầu về phát triển mặt hàng theo định hướng và thị trường mục tiêu.
Về thị trường mục tiêu phát triển, các thị trường trọng điểm ngoại tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Thị trường nước ngoài như: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Đức, Ấn Độ, Australia, Lào, Nam Phi…
Đối với thị trường trong tỉnh, hướng tới phục vụ cho dân cư thuộc khu vực nông thôn, chú trọng tới các xã điểm của tỉnh; khu tập trung công nhân các khu công nghiệp, nông trường cao su; thị trường thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh…
Sở Công thương vừa tổ chức Hội nghị Phổ biến Quy chế XTTM và Chương trình XTTM tỉnh Đồng Nai năm 2025. Phó giám đốc Sở Công thương THÁI THANH PHONG nhấn mạnh, đây là dịp giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN trong việc tiếp cận thông tin thị trường, hoạt động XTTM. Từ đó tham mưu kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về cơ chế chính sách XTTM, tạo điều kiện cho hoạt động XTTM trên địa bàn phát triển.
Danh mục sản phẩm được hỗ trợ trong chương trình bao gồm 20 nhóm sản phẩm đa dạng, từ vật liệu xây dựng, gốm sứ, gạch men đến các sản phẩm nông sản như: hạt điều, cà phê, hạt tiêu và thực phẩm chế biến… Chương trình còn chú trọng đến các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Phó giám đốc Trung tâm XTTM Đồng Nai (Sở Công thương) Nguyễn Văn Lĩnh cho hay, năm nay, tỉnh ban hành chương trình XTTM ngay từ đầu năm. Điều này tạo điều kiện để trung tâm xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối DN, hợp tác xã, chủ thể OCOP tham gia các hoạt động kết nối giao thương, XTTM trong và ngoài tỉnh…
Chủ Cơ sở Mật ong Minh Đào (ở xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) Nguyễn Thị Đào cho biết, hơn 5 năm trở lại đây, cơ sở tập trung đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cho sản phẩm chủ lực mật ong hoa chôm chôm Long Khánh, cũng như kết hợp với các sản phẩm được chế biến từ mật ong… Trong đó, các hoạt động XTTM, Chương trình Tuần hàng Việt Nam do Sở Công thương hỗ trợ kết nối góp phần giúp cơ sở có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tăng cường số hóa, chuyển đổi số
Theo ông Nguyễn Văn Lĩnh, Chương trình XTTM của tỉnh năm 2025 sẽ bao gồm hàng loạt hoạt động như: tổ chức hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, kết nối giao thương trong nước và quốc tế, các hội nghị và hội thảo XTTM, Festival Gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai năm 2025…
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực của địa phương thông qua các hoạt động XTTM “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030…
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong chia sẻ, mỗi giai đoạn, hoạt động XTTM có những định hướng, chiến lược khác nhau. Thời gian tới, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa, sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động XTTM của địa phương cần có sự đổi mới căn bản, bước đi phù hợp hơn, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức XTTM quốc gia, các tổ chức XTTM trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ DN hiệu quả hơn, giúp phát triển, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nội dung chương trình XTTM của tỉnh hướng tới phát triển thị trường xuất khẩu, chú trọng thị trường truyền thống, thị trường trọng điểm. Đồng thời, kết hợp khai thác mở rộng thị trường mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Ngoài ra, còn có các hoạt động gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với các chương trình như: Hàng Việt về nông thôn, Phiên chợ vui công nhân, Chuyến hàng phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp, giao thương liên kết vùng, miền; kết nối cung – cầu trong và ngoài tỉnh…
Theo các chuyên gia, dù các sở, ngành, đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các chương trình XTTM nhưng để phát huy hiệu quả các hoạt động XTTM đòi hỏi cách tiếp cận thị trường phù hợp, đổi mới các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho DN. Đồng thời, bản thân các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP của địa phương, cần chủ động trong việc tham gia các chương trình kết nối giao thương, tạo được điểm nhấn, thu hút khách hàng, đối tác.
Hải Quân
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/trien-khai-chuong-trinh-xuc-tien-thuong-maingay-tu-dau-nam-75b676b/