Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS-TS Bùi Văn Liêm nhấn mạnh, khảo cổ học Đồng Nai được biết đến từ
cuối thế kỷ 19 với việc phát hiện và nghiên cứu di tích Phước Tân của các học
giả người Pháp. Tiếp đó là những nghiên cứu tại các di tích Dầu Giây, Xuân Lộc,
Suối Chồn, Hàng Gòn… vào những năm 1960 – 1970. Sau năm 1975, những nghiên cứu
về khảo cổ học ở Đồng Nai được phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ năm 1977 trở về
đây, hàng loạt di tích đã được phát hiện và ghi tên trên bản đồ khảo cổ học.
Rất nhiều cuộc điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ học đã được thực hiện,
nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố, nhiều sách chuyên khảo đã được
xuất bản, nhiều luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã được thực hiện. Những kết
quả này đã đưa Đồng Nai thành một trong những điểm sáng của khảo cổ học.
Hội thảo đã nhận được 16 tham luận của các chuyên gia, các
nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu có nhiều thời gian trực tiếp điều
tra, nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, văn hóa vùng đất Đồng Nai. Hội thảo lần này
là dịp để nhìn nhận lại những thành tựu khảo cổ học đã đạt được trong giai đoạn
2017 – 2024, tập trung đánh giá, nhận diện về giá trị lịch sử, văn hóa của các
di tích khảo cổ học ở Đồng Nai; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà nghiên
cứu và các tỉnh bạn để từ đó đề xuất những nhiệm vụ nghiên cứu giai đoạn 2025 –
2035.
Trước đó, ngày
11/7/2017 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2412/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch khảo
cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với
mục tiêu tổng quát: Phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản, chuyên sâu, toàn
diện về khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong khung cảnh khảo cổ học
Việt Nam và khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong việc làm rõ giá trị lịch
sử, văn hóa của các di tích. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để tăng cường
các nguồn lực, phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao, góp phần phục vụ sự
nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn của tỉnh Đồng Nai và của đất nước.
Kết quả nghiên cứu khảo cổ học không những đáp
ứng yêu cầu trong công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, mà còn cung cấp
những cơ sở khoa học tin cậy cho việc quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị lâu
dài của các di tích, góp phần quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống,
khơi dậy niềm tự hào lịch sử văn hóa vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là nhiệm vụ then chốt của Quy hoạch. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các
hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững./.
Trần Nhung
Nguồn: https://svhttdl.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2988&CatId=53