Cuốn sách bạn đọc gần nhất là khi nào? Bạn có nhớ tựa đề của nó không?
Nhiều người chắc chắn sẽ rất lúng túng, bối rối với câu hỏi này. Và không phải ai cũng trả lời được, bởi đúng là lâu lắm rồi họ không còn giữ được thói quen đọc sách. Thay vào đó, họ thích lướt điện thoại, iPad hay xem tivi hơn. Đọc sách với không ít người, dường như là một điều gì đó quá xa xỉ, khó thực hiện vì thời gian eo hẹp phải chia sẻ cho công việc, gia đình, bạn bè, các mối quan hệ cùng những niềm đam mê khác. Thời gian dành cho sách ngày càng ít đi…
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và truyền thông trong một cuộc khảo sát mới đây, tại Việt Nam chỉ có 30% người được khảo sát đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng internet, nằm trong nhóm đầu thế giới. Văn hóa đọc đang bị lấn lướt bằng những loại hình giải trí khác khiến nhiều người lo lắng. Đây cũng là nội dung được bàn thảo nhiều nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu, từ đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc ra cộng đồng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, không phải chỉ đến Ngày sách và văn hóa đọc 21-4 hàng năm, những hoạt động quảng bá nhằm lan tỏa tình yêu sách mới được tổ chức mà rất nhiều chương trình giới thiệu sách mới, nói chuyện chuyên đề về sách… duy trì khá thường xuyên. Điều này tạo nên làn sóng mới, khơi dậy thói quen đọc sách trong mỗi người, nhất là với các bạn trẻ. Không chỉ ở các thành phố lớn, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng được những con đường sách, không gian đọc sách dành cho tất cả mọi người. Sách đã đến gần hơn với bạn đọc bằng nhiều kênh tiếp cận và quan trọng hơn, giá sách cũng đã giảm rất nhiều nhờ những chương trình khuyến mãi, kích cầu văn hóa đọc.
Việc các thư viện, nhà xuất bản, đơn vị phát hành kết hợp với tác giả sách cùng các địa phương thường xuyên tổ chức những hoạt động quảng bá sách, đưa sách về vùng sâu, vùng xa đã góp phần giúp sách tiếp cận với nhiều đối tượng bạn đọc. Bạn đọc nơi khó khăn đã và đang được đọc những cuốn sách mới mà không phải mất nhiều thời gian chờ đợi như trước. Kênh tiếp cận với sách qua hệ thống phát hành trực tuyến ngày càng dễ dàng, đơn giản, tiết kiệm thời gian, chi phí rất nhiều.
Bên cạnh sự phát triển của sách giấy, để đáp ứng nhu cầu đọc trong thời công nghệ số, sách điện tử, sách nói ra đời đã mang đến cho người đọc trải nghiệm tốt hơn. Người đọc có nhiều lựa chọn về loại sách muốn đọc và không nhất thiết cứ phải sách giấy truyền thống. Nghe sách, lướt web đọc sách ngày càng phổ biến, được người đọc, nhất là người trẻ đón nhận nhiệt tình.
Môi trường cho văn hóa đọc phát triển thực sự đã được quan tâm, dành sự ưu tiên ở nhiều địa phương trong cả nước. Những ngày hội sách, tuần lễ văn hóa đọc… tổ chức thường xuyên đã và đang tạo ra hoạt động văn hóa lành mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia, cho thấy sách vẫn có sức hấp dẫn riêng của nó. Điều này cho chúng ta quyền hy vọng về sự lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng và tỷ lệ người dân đọc sách của Việt Nam sẽ được cải thiện rõ rệt thời gian tới.
Minh Ngọc