Nhật Bản có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam cũng như Đồng Nai. Các dự án của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản có công nghệ hiện đại và ngày càng cần nhiều linh kiện, sản phẩm hỗ trợ được sản xuất tại Việt Nam và đây là cơ hội để DN Việt tiếp cận.
Mới đây, UBND tỉnh đã phối hợp với Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI-Kansai) tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương giữa DN Việt Nam – Nhật Bản năm 2024 nhằm giúp DN hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Doanh nghiệp muốn mở rộng cung ứng hàng hóa
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa) chuyên sản xuất các loại phễu rung, hệ thống máy cấp phôi tự động cho các DN sản xuất trong khu công nghiệp.
Ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc công ty, chia sẻ những năm qua, việc cung ứng sản phẩm cho nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp trong khu vực, nhất là các DN Nhật Bản, rất được đơn vị chú trọng. Để có thể hợp tác với các đối tác có vốn đầu tư nước ngoài, công ty luôn nỗ lực đổi mới công nghệ, học hỏi những kinh nghiệm hay và cải tiến, phù hợp với nhu cầu trong nước. Do đó, cùng một chủng loại máy móc, nếu nhập khẩu giá thành có thể gấp đôi giá đơn vị đang sản xuất nên thị trường rất triển vọng.
Các nhà cung ứng Việt Nam mong muốn ngành chế biến, chế tạo tiếp tục đà hồi phục để tăng thị phần nội địa và xuất khẩu. Đây là điều kiện để DN đẩy mạnh cung ứng sản phẩm cho các đối tác và từng bước xây dựng chuỗi, nhóm liên kết sản xuất. |
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Kim Vĩnh Thắng (thành phố Biên Hòa) Phan Văn Tứ chia sẻ, DN vừa đầu tư hệ thống nhà xưởng mới để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đúc từ gang, thép nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. DN tiến hành xúc tiến thương mại để hợp tác với các nhà máy của DN Nhật Bản. Công ty Kim Vĩnh Thắng cũng sẵn sàng đón tiếp không chỉ đối tác nước ngoài, mà còn với bạn hàng trong nước đến tham quan nhà máy, tìm hiểu cơ hội hợp tác để kết nối, cung ứng sản phẩm hàng hóa, tạo mối liên kết sản xuất theo chuỗi một cách phù hợp. Điều này vừa giải quyết đơn hàng, vừa giúp các công ty cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Không chỉ DN thuần Việt mà các DN liên doanh cũng có nhu cầu hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Tổng giám đốc Công ty CP Chien You Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, liên doanh với Đài Loan) Hà Ngọc Dũng cho hay, sản phẩm chủ đạo của DN là các loại sơ-mi rơ-moóc và cung cấp dịch vụ mạ kẽm nhúng nóng. Sản phẩm sơ-mi rơ-moóc của Chien You đã khá thông dụng trên thị trường, còn mạ kẽm nhúng nóng là mặt hàng mới của DN. Do đó, Chien You kỳ vọng sẽ có nhiều đối tác đến tìm hiểu và ký hợp đồng cung ứng hàng hóa.
Kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp
Đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai đã thu hút gần 1,7 ngàn dự án có vốn đầu tư nước ngoài từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản có 280 dự án với tổng vốn 5,27 tỷ USD, đứng thứ 2 về số dự án và thứ 3 về vốn đầu tư tại Đồng Nai.
Đồng Nai và phía đối tác Nhật Bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp sản xuất và phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc thành lập Bàn Kansai để hỗ trợ cho các DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai; đồng thời, thực hiện Chương trình Điều phối viên để hỗ trợ, kết nối các DN Việt Nam và Nhật Bản…
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai và Meti-Kansai đã ký kết Thỏa thuận hợp tác kinh tế lần đầu tiên từ năm 2013 và tái ký kết lần thứ 5 vào tháng 9-2024, nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp, hợp tác kinh tế trong lĩnh vực môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Tại buổi giao thương DN Việt – Nhật ngày 14-11 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng khẳng định đây là hoạt động rất quan trọng, mở ra cho các DN cơ hội tìm hiểu, lựa chọn đối tác phù hợp, tiến tới hợp tác lâu dài để cùng phát triển trong tương lai. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để các hoạt động hợp tác giữa Đồng Nai và Meti-Kansai được triển khai đạt kết quả tốt nhất, giúp các DN hoạt động thuận lợi và đưa kinh tế 2 địa phương ngày càng phát triển.
Về phía Nhật Bản, bà Nakagawa Mai, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh quốc tế, Vụ Quan hệ quốc tế của Meti-Kansai, cho biết Việt Nam đang thu hút sự chú ý như một điểm đến để các công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh xét từ góc độ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam đồng thời được kỳ vọng sẽ là cơ sở để xây dựng chuỗi cung ứng tới các nước lân cận ở châu Á. Meti-Kansai mong muốn tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kết nối các công ty Nhật Bản và Việt Nam, các hội nghị giao thương được tổ chức thường xuyên cũng là dịp để các công ty của cả 2 nước gặp gỡ, tìm hiểu, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh.
Văn Gia
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/tim-co-hoi-ban-hang-cho-nhat-ban-4ee0002/