UBND tỉnh đang xây dựng Kế hoạch bảo vệ và mở rộng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch này bao gồm các phương án, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo nguồn nước cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Sông Đồng Nai, sông có trữ lượng nước lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: B.Mai |
Kế hoạch này sẽ được hoàn thiện, trình Ban TVTU xem xét làm cơ sở thực hiện trong thời gian tới.
* Trữ lượng dồi dào, chất lượng tốt
Báo cáo hiện trạng tài nguyên nước mặt của UBND tỉnh cho thấy, Đồng Nai có trữ lượng nước lớn, khoảng 26 tỷ m3. Đó là nguồn nước từ hệ thống sông ngòi, các công trình thủy lợi.
Trong đó, lớn nhất là nguồn nước mặt từ hệ thống sông Đồng Nai. Hiện tại Công ty CP Cấp nước Đồng Nai và các công ty trực thuộc, liên kết; Công ty TNHH Việt Thăng Long đang khai thác nước thô, xử lý và cung cấp nước sạch cho phần lớn đô thị, khu công nghiệp và một số vùng nông thôn của tỉnh. Ngoài ra, một số công ty cấp nước sạch cho TP.HCM cũng đặt nhà máy khai thác nước sông trên địa bàn tỉnh.
Nguồn nước mặt lớn thứ 2 là hệ thống từ 18 công trình hồ, đập. Hiện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai khai thác nước thô cung cấp cho các đơn vị xử lý nước sạch, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác trực tiếp để cung ứng nước sạch cho khu vực nông thôn, một phần cho công nghiệp và đô thị.
Và nguồn nước từ hồ thủy điện Trị An hiện có Công ty CP Cấp nước Gia Tân khai thác, cấp nước cho đô thị, khu công nghiệp và vùng nông thôn tại các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, kết quả điều tra, đánh giá cho thấy, Đồng Nai là tỉnh có trữ lượng nước mặt dồi dào. Công suất khai thác phục vụ cấp nước sạch chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tài nguyên hiện có. Vì thế trữ lượng nước mặt phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội không đáng lo.
Về chất lượng, những năm gần đây tỉnh đã đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc và nhiều công trình phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm môi trường nên chất lượng nước được cải thiện qua các năm.
Ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết, năm 2022, cơ quan chức năng thực hiện quan trắc tại 166 vị trí sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, chất lượng nước mặt khá tốt, một số khu vực ô nhiễm trước đây đã cải thiện. Điều này chứng tỏ các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm mang lại kết quả tích cực.
Vì có nguồn nước dồi dào, chất lượng ngày càng tốt hơn nên những năm gần đây tỉnh chủ trương giảm, tiến tới ngưng khai thác nước ngầm ở những khu vực có thể phát triển nước mặt. Giải pháp này vừa khai thác hiệu quả nguồn nước mặt vừa giảm cạn kiệt, suy thoái tài nguyên nước dưới đất.
* Mở rộng nguồn nước mặt
Mặc dù được đánh giá có nguồn nước mặt dồi dào nhưng trước biến đổi bất thường của thiên tai, khí hậu, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, bảo vệ nguồn nước. Đó là Đề án cấp nước sạch giai đoạn 2021-2025, Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Danh mục và phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Kế hoạch bảo vệ và mở rộng nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng Nai có 18 sông, 55 suối, 18 hồ chứa với trữ lượng nước khoảng 26 tỷ m3. Dự kiến từ nay đến năm 2035 tỉnh đầu tư thêm 10 hồ chứa với dung tích khoảng 46 triệu m3. |
Trong kế hoạch này, tỉnh đề ra nhiệm vụ đầu tư xây dựng 10 hồ chứa nước thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp cấp nước sinh hoạt, dung tích khoảng 46 triệu m3, kinh phí hơn 3 ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Cùng với đó là rà soát, tiến hành nạo vét, cải tạo một số hồ, đập nhằm tăng dung tích chứa nước. Mới đây UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép lập đồ án nghiên cứu nạo vét hồ
Trị An.
Cùng với đó là các giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước. Cụ thể không quy hoạch phát triển các dự án công nghiệp, chăn nuôi, thương mại dịch vụ, khu dân cư tập trung gần nguồn nước. Xử lý triệt để các điểm đen về môi trường như khai thác khoáng sản, bãi rác. Di dời các cơ sở chăn nuôi, sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đặc biệt là xả nước thải vào nguồn nước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, mục tiêu sau cùng của kế hoạch này là đảm bảo nguồn nước sạch cho mọi người dân và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tích trữ nguồn nước để chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Giảm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và từng bước phục hồi các hệ sinh thái.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển, tương lai khu vực nào đảm bảo được an ninh nguồn nước sẽ có lợi thế.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh sớm hoàn thiện và trình Ban thường vụ kế hoạch bảo vệ và mở rộng nguồn nước của tỉnh. Kế hoạch này phải lồng ghép vào quy hoạch tỉnh và các quy hoạch địa phương; đề ra được nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng sở, ngành, cấp ủy trong việc giữ nguồn nước sạch cho tương lai.
Ban Mai
.