“…Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời…”
Ai đã đọc qua những vần thơ thắm thiết trong bài Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ đều dấy lên trong lòng một cảm xúc dâng trào về “lời ăn tiếng nói” hàng ngày của chính mình, gia đình và cộng đồng mình đang sống. Để rồi chợt nhận ra tiếng Việt gần gũi và thiêng liêng đến lạ!
Nhóm sinh viên đang thảo luận về văn hóa các vùng miền ở Việt Nam. Ảnh: L.Viên |
Nguồn gốc tiếng Việt và quá trình giao lưu tiếp biến ngôn ngữ
Tiếng Việt là một ngôn ngữ có nguồn gốc Mon – Khmer, Nam Á. Tiến sĩ Lý Tùng Hiếu, trong cuốn Giao lưu tiếp biến văn hóa và sự biến đổi văn hóa Việt Nam nhận định rằng: “Do bị “hóa thạch” từ lâu, hệ thống phụ tố Nam Á trong tiếng Việt ngày nay chỉ còn là những dấu vết khó nhận diện. Nhưng với các luận cứ chứng minh sự hiện diện của 6 phụ tố tạo từ của ngữ hệ Nam Á còn để lại dấu vết trong tiếng Việt (…), phối hợp với các luận cứ khác, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ có nguồn gốc Mon – Khmer, Nam Á”.
Quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa Tày cổ đã làm biến đổi sâu sắc và nâng cao văn hóa của cư dân Việt – Mường. Trong đó, theo tiến sĩ Lý Tùng Hiếu: “ảnh hưởng rõ rệt nhất của văn hóa Tày cổ đối với Việt – Mường thể hiện trong ngôn ngữ là ở mảng văn hóa ẩm thực, phục sức, cư trú, giao thông”.
Đáng chú ý là, trải qua thời Bắc thuộc hàng ngàn năm (năm 111 trước công nguyên đến năm 938 – Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho dân tộc) cho đến các triều đại phong kiến Việt Nam, văn hóa, ngôn ngữ Trung Hoa đã có ảnh hưởng sâu sắc vào Việt Nam với những tác dụng tiêu cực và tích cực.
Bên cạnh đó, các từ ngữ gốc Chăm, gốc Khmer, các từ ngữ gốc Pháp trong tiếng Việt, cũng như các phương ngữ địa lý trong tiếng Việt… là những bằng chứng cho thấy sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, ngôn ngữ hết sức phong phú của tiếng Việt.
Trên hành trình lịch sử hơn 4 ngàn năm, trải qua nhiều biến cố, thử thách với quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, “cho dù đã biến đổi sâu xa, văn hóa Việt và tiếng Việt vẫn là chính nó. Tất cả là nhờ tộc Việt vốn có một nội lực văn hóa mạnh, tích hợp từ các tộc người cộng cư, để từ đó có thể chủ động tiếp thu, cải biến các yếu tố văn hóa ngoại sinh để làm giàu hành trang văn hóa của mình, để phát triển và bảo vệ quốc gia dân tộc” – tiến sĩ Lý Tùng Hiếu khẳng định.
Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chắc chắn ngôn ngữ sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh sự mất đi của những từ cổ, từ cũ, hiển nhiên sẽ có thêm những từ ngữ mới sáng tạo, các từ nước ngoài phổ biến, từ chuyên ngành… được bổ sung vào kho từ vựng của người dân. Đó là câu chuyện bình thường và tất yếu. Thế nhưng việc sử dụng trong hoàn cảnh nào, với “liều lượng” và mức độ ra sao… cũng là một câu chuyện văn hóa với tinh thần “gạn đục khơi trong”, ý thức giữ gìn bản sắc và sự trong sáng, phong phú của tiếng Việt.
Ngôn ngữ thể hiện tính cách con người Việt
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam có nêu 3 đặc điểm của nghệ thuật ngôn từ Việt Nam: một là, tính biểu trưng thể hiện ở xu hướng khái quát hóa, ước lệ hóa, công thức hóa với những cấu trúc cân đối, hài hòa; hai là, rất giàu chất biểu cảm; ba là, tính động và linh hoạt.
Tất cả những đặc điểm ấy, khi lý giải dưới lăng kính văn hóa học cho thấy bản sắc của văn hóa gốc nông nghiệp trọng âm, với tư duy tổng hợp nên người Việt luôn coi trọng các mối quan hệ; từ đó trong lời ăn tiếng nói luôn cân xứng, hài hòa. Dễ dàng bắt gặp trong tiếng Việt nhiều cấu trúc song tiết và tiêu biểu hơn cả là hệ thống các câu thành ngữ, tục ngữ trong dân gian như: Ăn vóc, học hay/ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn…
Tiếp đến, là sản phẩm của một nền văn hóa trọng tình cảm, tiếng Việt rất giàu biểu cảm với các từ ngữ thể hiện đa dạng cảm xúc người nói. Biểu hiện rõ và phong phú nhất là các từ láy trong tiếng Việt rất giàu biểu cảm. Cũng chính vì thế mà ở Việt Nam, thơ ca rất phổ biến, từ thơ ca truyền miệng trong dân gian như những bài ca dao, đồng dao, cho đến những kiệt tác như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du…
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm đúc kết: “Trong giao tiếp, người Việt Nam có thiên hướng nói đến những nội dung tĩnh (tâm lý, tình cảm, dẫn đến nghệ thuật thơ ca và phương pháp biểu trưng) bằng hình thức động (cấu trúc động từ, ngữ pháp, ngữ nghĩa linh hoạt). Trong khi đó, người phương Tây nói riêng và truyền thống văn hóa trọng dương nói chung lại có thiên hướng nói đến những nội dung động (hành động, sự việc, dẫn đến nghệ thuật văn xuôi và phương pháp tả thực) bằng hình thức tĩnh (cấu trúc danh từ, ngữ pháp hình thức chặt chẽ). Mới hay, ngôn ngữ thực sự là tấm gương phản chiếu văn hóa dân tộc và tác động của luật âm dương thật là rộng lớn và sâu xa!”.
Không phải ngẫu nhiên mà có nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng “ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc”. Thật vậy, có thể tìm thấy tính cách, tâm hồn, giá trị văn hóa… “rất Việt” trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của chính mình và cộng đồng mình đang sinh sống.
Ý thức hơn nữa việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Là sinh ngữ, cũng như tất cả các ngôn ngữ khác, tiếng Việt đã, đang và sẽ có những đổi thay để phù hợp với xu thế của thời đại.
Hiện nay, trên không gian mạng cũng như ngoài đời thực, một bộ phận người dân, trong đó chủ yếu là giới trẻ sáng tạo ra những từ ngữ mới như: “k” (ngàn đồng, chỉ đơn vị tính tiền), “trẻ trâu”, “trẩu trẩu” (ý chỉ hành động mang tính con nít), “ăn cơm chó” (có hành động thể hiện tình cảm yêu đương)… Ngoài ra, còn có thực trạng tiếng Việt pha những từ nước ngoài như: ship, chat, rì view (review), check in, drama, chill, hot… khá phổ biến.
Một biển hiệu gây chú ý ở trung tâm thành phố Biên Hòa. |
Tác động tích cực và tiêu cực khi sử dụng những từ ngữ mới, từ nước ngoài như những trường hợp nêu trên như thế nào và ở mức độ nào thì rất cần nhà khoa học, nhà nghiên cứu làm rõ, nhưng có một điều chắc chắn rằng, việc sử dụng quá nhiều từ ngữ nước ngoài, để tiếng Việt trở nên ngoại lai, pha tạp trong một đoạn trao đổi ngắn là hết sức khó chịu đối với đa phần người nghe.
Không khó bắt gặp trên mạng xã hội, một số người trẻ bình luận về sản phẩm hay nêu ý kiến về một vấn đề nào đó với ngôn ngữ chính là tiếng Việt và sử dụng rất nhiều từ ngữ nước ngoài mà không phải người nghe nào cũng hiểu. Mục đích của những hành động này là gì nếu không phải là sự thể hiện “đẳng cấp” (?), khoe mẽ một cách không cần thiết? Hay một số cửa hiệu, để thu hút sự chú ý của khách hàng, cố tình viết sai chính tả tên cửa hàng và làm biển hiệu thật bắt mắt.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm, không chỉ đối với ngành chức năng, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa… mà còn đối với mỗi người.
Lâm Viên