Vùng Đông Nam bộ (ĐNB) được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước. Trong đó, ĐNB sẽ tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước.
Thu hút đầu tư các ngành nghề công nghệ cao là xu hướng chủ đạo của các địa phương vùng Đông Nam bộ. Ảnh minh họa: V.Gia |
Thời gian qua, các địa phương vùng ĐNB đã từng bước thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
* Hình thành các tiểu vùng và hành lang kinh tế
Theo định hướng chung, trong tương lai, vùng ĐNB sẽ được tổ chức thành các khu vực tiểu vùng phát triển đảm nhận những vai trò, thế mạnh của mình. Tiểu vùng trung tâm gồm TP.HCM, phía Nam Bình Dương và Tây Nam Đồng Nai là trung tâm phát triển của toàn vùng; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục – đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế. TP.HCM là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế.
Theo Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐNB thì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 của vùng đạt khoảng 8-8,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14,5 ngàn USD. Tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP; công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%. Tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30-35% và tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70-75%.
|
Tiểu vùng ven biển có Cần Giờ (TP.HCM) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, cảng biển, logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, hóa dầu; du lịch biển, đảo; khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. Phát triển TP.Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Tiểu vùng phía Bắc có Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của Đồng Nai, Bình Dương tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, trồng cây công nghiệp, có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.
Toàn khu vực cũng sẽ phát triển dựa trên 3 hành lang kinh tế chủ đạo là hành lang kinh tế Mộc Bài – TP. HCM – Biên Hòa – Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng ĐNB và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông và Tây Nam bộ. Hình thành Vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM nhằm phát triển các khu vực đô thị, công nghiệp, các trung tâm dịch vụ trên cơ sở khai thác không gian phát triển mới tạo thành chuỗi liên kết liên ngành, liên địa phương hiệu quả. Cuối cùng là hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc – Nam phía Tây qua địa bàn ĐNB, kết nối với Tây nguyên, đồng thời có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển, liên kết vùng, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.
* Hướng tới mô hình phát triển xanh
Cùng với xu thế chung của đất nước, các địa phương trong vùng cũng đang tập trung để nghiên cứu, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế xanh. Đơn cử như TP.HCM khuyến khích các ngành công nghiệp và doanh nghiệp đổi mới và áp dụng các công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, viễn thông và các lĩnh vực khác nhằm tăng cường sự sáng tạo và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Việc phát triển kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 là tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Bình Dương, tỉnh này dự kiến sẽ di dời gần 3 ngàn nhà máy, xưởng sản xuất nằm rải rác trong các khu dân cư đến các cụm, khu công nghiệp để tránh ô nhiễm. Đây là một trong những nhiệm vụ để tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh. Bình Dương ưu tiên phát triển có chất lượng, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, phù hợp với xu hướng của quốc tế. Do đó, việc di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư là rất cần thiết.
Tương tự, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào các KCN, đồng thời kiên định với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc. Ngoài việc chú trọng về quy mô, ngành nghề, khả năng phát triển của dự án, tỉnh còn tập trung vào các tiêu chí đánh giá chất lượng của dự án, bảo vệ môi trường, sử dụng ít năng lượng… Tỉnh sẵn sàng từ chối các dự án hàng tỷ USD nếu không bảo đảm yếu tố bền vững, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Đối với Đồng Nai, yếu tố xanh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế là một trong những yêu cầu tiên quyết. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu chung của tỉnh, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn cao từ các nước trên thế giới đối với hàng hóa. Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành vừa được Đồng Nai khởi công trong tháng 7 vừa qua là một chỉ dấu mạnh mẽ trong xu hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, chủ trương của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án xanh, dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường. Đồng Nai sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư để áp dụng mô hình tăng trưởng xanh cho tỉnh nhằm phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững.
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho biết, qua tiếp xúc với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp cho thấy, hiện nay các tiêu chí về tăng trưởng xanh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rất khắt khe. Vì vậy, thúc đẩy tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp vững tin bước vào sân chơi cạnh tranh trên thị trường.
Văn Gia
.