Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, sức mua của người dân bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế khó khăn, lĩnh vực thương mại – dịch vụ đã nỗ lực vượt khó, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao và là điểm sáng trong phát triển kinh tế của địa phương trong những năm qua.
Đồ họa thể hiện sự tăng trưởng về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Đồng Nai từ năm 2020 đến quý I-2024. (Nguồn: Sở Công thương, Cục Thống kê Đồng Nai – Đồ họa: Hải Hà) |
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng xanh được nhiều doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ quan tâm triển khai. Qua đó góp phần tăng doanh thu, thu hút người tiêu dùng.
Nỗ lực vượt khó, duy trì tăng trưởng
Trong năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt hơn 183 ngàn tỷ đồng. Đến năm 2021 đạt 188,7 ngàn tỷ đồng, chỉ tăng gần 2,9% so với năm 2020 do những tác động từ đại dịch Covid-19.
Từ năm 2022 đến nay, hoạt động thương mại, dịch vụ đã trở lại hoạt động bình thường sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới làm cho giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, vận chuyển, hàng hóa đầu vào tăng cao, đã tác động đến giá thành bán ra của hàng hóa. Trong bối cảnh đó, ngành thương mại – dịch vụ nỗ lực phục hồi và tăng trưởng trong những năm gần đây.
Theo Sở Công thương, năm 2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt gần 234,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2021. Trong năm 2023, bất chấp những khó khăn của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, ngành thương mại – dịch vụ của tỉnh vẫn có những điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Đồng Nai. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 262,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 12,2% so với năm trước đó.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG yêu cầu, trong năm 2024, ngành công thương Đồng Nai cần tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics. Đồng thời, ngành công thương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch mua bán trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn)…
Nhiều địa phương trong tỉnh đạt mức tăng trưởng khá về thương mại – dịch vụ trong năm 2023. Đơn cử, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của huyện Long Thành đạt hơn 37 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 26% so với năm 2022; huyện Xuân Lộc đạt hơn 22,1 ngàn tỷ đồng, tăng 14%; huyện Tân Phú đạt hơn 9,1 ngàn tỷ đồng, tăng 10,8%…
Số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, trong quý I-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt hơn 73,7 ngàn tỷ đồng, tăng gần 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phụ trách Bộ phận Marketing Co.opmart Biên Hòa Trang Phúc cho biết, trong thời gian qua, siêu thị triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi lớn đã góp phần thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh các chương trình kích cầu hàng Việt, tăng doanh thu cho siêu thị, đặc biệt là các đợt cao điểm mua sắm dịp lễ, Tết…
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Đồng Nai cũng tăng cường triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tham gia nhiều hoạt động kết nối cung – cầu trong và ngoài tỉnh để tiếp cận, mở rộng thị trường trong bối cảnh hội nhập, tình hình thị trường còn nhiều biến động.
Theo Sở Công thương, từ năm 2020-2023, sở đã triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã… trong tỉnh tham gia khoảng 400 chương trình xúc tiến thương mại, gồm: hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, tập huấn, kết nối giao thương, kết nối cung – cầu, tiếp xúc các nhà nhập khẩu, phân phối trong và ngoài nước. Các hoạt động này thu hút sự tham gia của hàng ngàn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất…
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) Nguyễn Văn Lĩnh cho biết, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương là cơ hội để các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quảng bá tiềm năng, lợi thế, thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, phát triển, mở rộng thị trường…
Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng trưởng xanh
Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động của cả nước với nhiều doanh nghiệp đã và đang tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất – nhập khẩu, phát triển thương mại – dịch vụ… Điều này thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình tăng trưởng xanh, bền vững; đẩy mạnh các loại hình thương mại điện tử, dịch vụ số để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Giám đốc Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh (thành phố Biên Hòa) – đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, chia sẻ trong thời gian qua, công ty đẩy mạnh đa dạng các hình thức đặt vé, thanh toán đa kênh trên website và các ứng dụng đặt vé xe trực tuyến… để tối ưu hóa các tiện ích dành cho khách hàng.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kết quả điều tra tình hình ứng dụng thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2022, mua sắm trực tuyến đã trở thành hình thức mua sắm, bán hàng phổ biến của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ số hộ đặt mua hàng qua các kênh truyền hình và kênh phát trực tuyến đạt hơn 73%. Tính đến cuối năm 2023, Sở Công thương đã hỗ trợ 40 gian hàng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện kinh doanh trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn) với 300 sản phẩm, trong đó có 90 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Song song với tiến trình chuyển đổi số, để có thể nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, địa phương chú trọng đến yếu tố tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh, thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu, sản xuất bền vững, tuần hoàn…
Đồng Nai xác định tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam; đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao; đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống; nơi tập trung trí thức và nhân tài. Địa phương lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải về 0 vào năm 2050.
Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải nhấn mạnh, xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, bền vững mang tính xã hội sâu sắc với những sản phẩm nhãn xanh, nhãn an toàn, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng, hướng tới kinh tế xanh, bền vững…
Hải Quân