Về số lượng, Đồng Nai có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu vận hành khai thác Sân bay Long Thành. Tuy nhiên, “khoảng trống” lớn nhất hiện nay là công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan và nghe giới thiệu về mô hình đào tạo nguồn nhân lực tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành). Ảnh: P.Tùng |
Trong bối cảnh đó, việc liên kết đào tạo giữa các trường, cơ sở có chuyên ngành hàng không với các trường, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh để đào tạo nghề cho lực lượng lao động của tỉnh là chủ trương được khuyến khích áp dụng.
Đồng Nai chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không
Theo UBND tỉnh, hiện nay có 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành đối với Đồng Nai hiện nay là trên địa bàn chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành hàng không. “21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh ngành nghề đào tạo chưa phù hợp chuyên ngành hàng không là một trong những khó khăn lớn nhất. Trong khi đó, 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép cũng chưa có cơ sở đặt tại Đồng Nai” – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay.
Trước thực tế đó, Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết, đơn vị đã có văn bản về việc đề xuất thu hút lao động đến làm việc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có các phương án kêu gọi xã hội hóa về giáo dục nghề nghiệp, cung cấp nhân lực cho Sân bay Long Thành. Đồng thời, sở cũng đã đưa vào dự thảo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, ưu tiên 1 (giai đoạn 2023-2025) kêu gọi đầu tư dự án thành lập trường trung cấp hoặc cao đẳng tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành đã quy hoạch đất giáo dục – đào tạo với diện tích 4 hécta, quy mô đào tạo cao đẳng, trung cấp tối thiểu 500 người/năm. Nhóm ngành nghề đào tạo liên quan đến dịch vụ, kỹ thuật ngành hàng không phục vụ Sân bay Long Thành.
Ưu tiên 2 (giai đoạn 2024-2027) kêu gọi đầu tư dự án thành lập trường trung cấp hoặc cao đẳng tại huyện Nhơn Trạch, quy hoạch đất giáo dục – đào tạo với diện tích từ 4 hécta trở lên, quy mô đào tạo tối thiểu 500 người/năm. Nhóm ngành nghề đào tạo gồm kinh doanh và khai thác vận tải (cảng biển, sân bay, logistics), kiến trúc, quy hoạch và xây dựng. Cùng với đó, giai đoạn tiếp theo (2025-2035) sẽ tiếp tục kêu gọi các dự án thành lập trường trung cấp và cao đẳng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường nói chung và Sân bay Long Thành nói riêng tại các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán.
Theo Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, phải tăng cường đào tạo nhân lực cho Sân bay Long Thành tại chỗ. Do đó, khuyến khích các trường tại Đồng Nai liên kết với các trường đại học chuyên nghành về hàng không để mở thêm chuyên ngành đạo tạo cho Đồng Nai, nâng cao chất lượng, số lượng đào tạo.
Hợp tác đào tạo
Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Bộ Xây dựng, ở huyện Long Thành) là đơn vị liên kết đào tạo nhân lực liên quan đến hàng không sớm nhất và duy nhất đến thời điểm hiện nay tại Đồng Nai.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường cho biết, từ tháng 9-2021, trường đã ký hợp tác với Công ty TNHH MTV kỹ thuật máy bay (VAECO) về đào tạo hai nghề gồm: bảo dưỡng máy bay mức B1/B2 và sửa chữa cấu trúc máy bay.
Trường đã tuyển sinh được một lớp 20 sinh viên học ngành bảo dưỡng máy bay mức B1/B2. Năm 2023, Lilama 2 cũng ký thỏa thuận hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet về đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng máy bay và các nghề dịch vụ mặt đất, dịch vụ hành khách, an ninh sân bay. Cùng với đó, trường cũng hợp tác với Công ty CP Hàng hóa Tân Sơn Nhất – TCS, Công ty Logistics Việt Nam (Villas) đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics hàng không.
Đến nay, đã có 85 sinh viên đang theo học và một số chuẩn bị tốt nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu việc học các ngành hàng không trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trường đã phối hợp với chính quyền một số địa phương giới thiệu các ngành nghề đào tạo để góp phần cung cấp cho các đơn vị phục vụ trong Sân bay Long Thành
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, vừa qua, Sở Lao động, thương binh và xã hội đã tổ chức hội thảo và giới thiệu 25 đơn vị được cấp phép đào tạo lĩnh vực hàng không để các trường triển khai hợp tác. Đây là một hướng đi rất đúng, đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt về nhân lực cho Sân bay Long Thành. Kêu gọi các nhà đầu tư mở trường để đào tạo là bước đi lâu dài.
Cũng theo ông Quỳnh, giải pháp tiếp theo có thể sử dụng là kết hợp giữa các trường đang đóng trên địa bàn, kết nối với các nhà đầu tư giáo dục chuyên lĩnh vực hàng không như Trường cao đẳng quốc tế Kend để đào tạo lĩnh vực này thì sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn việc thành lập một trường mới trong điều kiện hiện nay.
Tiến sĩ Đinh Công Khải, Phó giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, một hệ thống giáo dục đào tạo chuyên sâu về hàng không, logistics, du lịch và quản trị kinh doanh là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của kinh tế sân bay. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế theo hướng thực tế, đáp ứng nhu cầu cụ thể của thị trường, nâng cao kỹ năng và kiến thức cho học viên, chuẩn bị để họ trở thành nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vừa giải quyết sự thiếu hụt nghiêm trọng hiện nay, vừa đáp ứng nhu cầu của tỉnh trong hướng đi mới. “Dựa trên thế mạnh của mình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn hợp tác phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu, có kỹ năng đáp ứng nhu cầu của phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới, với cơ hội mới là sự hình thành và đi vào hoạt động của Sân bay Long Thành” – ông Khải bày tỏ.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, hiện nay, tỉnh đã đề nghị 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh làm việc cụ thể với 25 đơn vị đào tạo được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép để tổ chức đào tạo tại Đồng Nai nhằm tạo thuận lợi cho các học viên. “Về lâu dài, các trường trên địa bàn tỉnh mở thêm ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực sân bay cho các giai đoạn sau” – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.
Phạm Tùng