Một trong những khó khăn của ngành nông nghiệp trong năm 2024 là biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Dự báo năm 2025, tình hình thời tiết, thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vẫn khá phức tạp. Ngay từ đầu năm 2025, trên địa bàn Đồng Nai đã xuất hiện nhiều đợt lạnh kéo dài kèm một số đợt mưa trái mùa ảnh hưởng đến mùa vụ, cây trồng.
Nông dân xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) phun thuốc bảo vệ thực vật để ngừa dịch bệnh bùng phát trên cây thanh long. Ảnh: B.Nguyên |
Trong triển khai nhiệm vụ năm 2025, một trong những nội dung được ngành nông nghiệp quan tâm là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra tình trạng thời tiết bất thường như: mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai… đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mùa mưa năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 đợt mưa lớn kèm theo dông lốc, ngập lụt, sạt lở đất tại một số địa phương. Tổng thiệt hại gây ra gồm: 1 người chết do nước cuốn trôi, một phần của 4 căn nhà cấp 4 sạt lở xuống sông, 36 căn nhà tốc mái, 742 căn nhà bị ngập. Về sản xuất, toàn tỉnh bị thiệt hại 198 hécta lúa, hoa màu và cây trồng, gần 4,1 ngàn con gia cầm. Ngoài ra, ngập lụt gây ách tắc giao thông cục bộ tại một số tuyến đường trên địa bàn các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Định Quán, Thống Nhất và thành phố Biên Hòa. Tổng thiệt hại về vật chất khoảng 14,5 tỷ đồng.
Trước dự báo thời tiết thất thường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các địa phương cần chủ động kế hoạch sản xuất, gieo trồng và chăm sóc vụ đông xuân 2024-2025 gắn với công tác tích trữ, điều tiết nguồn nước từ các công trình để phục vụ sản xuất theo kế hoạch. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống cây trồng tại các vùng sản xuất có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô. |
Thời tiết thất thường cũng là nguyên nhân xuất hiện tình tình trạng sâu bệnh hại trên cây trồng. Hiện một số cây trồng đang trong giai đoạn ra hoa, kết trái lo bị các dịch hại tấn công gồm: rệp, sâu đục ngọn – cành, cháy lá, phấn trắng trên cây xoài; sâu vẽ bùa, rệp sáp, nhện đỏ/trắng, sâu đục cành, chảy mủ, ghẻ, loét trên cây có múi; sâu đục thân – rễ, bọ trĩ, thán thư, nấm hồng trên cây điều; rệp sáp – tuyến trùng, chết chậm, chết nhanh, thán thư trên cây tiêu…
Đặc biệt, ngay từ đầu năm, thời tiết diễn biến bất thường với những đợt lạnh kéo dài, có nhiều đợt mưa trái mùa lớn ảnh hưởng đến cây trồng, nhất là những cây trồng nhạy cảm với thời tiết đang vào vụ ra hoa, kết trái như: cây điều, xoài, tiêu…
Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp cây xoài Xuân Trường (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) Nguyễn Văn Dũng cho hay, năm 2024, xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa lớn, kéo dài vào thời điểm xoài ra hoa nên nhiều nhà vườn thất bại trong làm xoài nghịch vụ cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2025. Đầu năm nay, mưa trái mùa nhiều, xoài chính vụ sau mỗi đợt mưa và sương xuất hiện nhiều, nông dân phải đầu tư thuốc xử lý để ngừa dịch bệnh làm thiệt hại bông và trái non. Với thời tiết thất thường như hiện nay, nông dân lo lắng về năng suất, chất lượng trái vì tình hình sâu bệnh sẽ phức tạp hơn.
Chủ động ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn
Dự báo thời tiết năm 2025, nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng, do vậy Việt Nam sẽ phải đối mặt với nắng nóng gay gắt và khốc liệt. Cùng với đó, vào mùa mưa, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy, vừa qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa trái mùa to đến rất to và sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới. Năm nay, mưa trái mùa xuất hiện ở mức xấp xỉ đến nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Mưa trái mùa sẽ ảnh hưởng đến ra hoa, đậu trái, năng suất của một số loại cây trồng. Những cơn mưa trái mùa có lượng mưa lớn có thể làm ngập úng, cuốn trôi các loại hoa màu.
Ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc triển khai, thực hiện các giải pháp chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân vùng ảnh hưởng. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Dương Xuân Sơn cho biết, ngay từ đầu năm 2025, đơn vị đã chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn và nâng cao khả năng trữ nước của các hồ chứa thủy lợi, đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tình hình xâm nhập mặn tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch độ mặn đo được bên trong các công trình thủy lợi ngăn mặn vẫn trong ngưỡng an toàn.
Bình Nguyên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202502/thoi-tiet-bat-thuong-anh-huong-den-san-xuat-nong-nghiep-69a7098/