Mặc dù 3 luật quan trọng nhất liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) là: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đã được thông qua nhưng thị trường vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Tại các dự án khu dân cư, khu đô thị, giao dịch nhà đất của các cá nhân tại Đồng Nai vẫn rất ảm đạm. Nhiều nhà đầu tư ví von thị trường BĐS ở Đồng Nai vẫn đang đợi “băng tan”. So với thời điểm đầu năm 2020, hiện giá BĐS đã giảm từ 20-50%. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn, nhưng không tìm được người mua.
Theo thống kê của Sở Tài chính, thu từ lệ phí trước bạ trong 2 tháng đầu năm 2024 chỉ được 144,5 tỷ đồng, bằng 78% so với cùng kỳ năm trước và đạt 14% kế hoạch năm. Đồng thời, thu tiền sử dụng đất chỉ được hơn 319 tỷ đồng, bằng 65% so với cùng kỳ năm trước và đạt 9% kế hoạch năm. Những số liệu trên cho thấy thị trường BĐS 2 tháng đầu năm nay chưa có dấu hiệu sáng hơn so với đầu năm 2023. Tại các địa phương trước đây luôn “nóng” trong chuyển nhượng đất đai thì nay thưa thớt. Nhiều sàn giao dịch BĐS ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… vẫn cửa đóng then cài.
Các doanh nghiệp BĐS cho biết, dù Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã được phê duyệt nhưng phải đến ngày 1-1-2025 mới có hiệu lực. Sau khi các luật có hiệu lực, còn phải đợi nghị định, thông tư hướng dẫn ban hành mới triển khai được. Vì thế, các luật trên hiện vẫn chưa giúp thị trường BĐS “tan băng”, bước vào chu kỳ tăng trưởng trở lại.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới, trong nước chưa thoát khỏi khó khăn, khả năng phục hồi chậm. Các bất ổn về địa chính trị, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, lạm phát, đầu tư công chưa tìm ra giải pháp để thúc đẩy nhanh… đang là rào cản “níu chân” thị trường BĐS hồi phục.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế có cái nhìn tích cực hơn và cho rằng thị trường BĐS hiện đã thoát đáy, khoản nợ của các doanh nghiệp BĐS cần đáo hạn trong năm 2024 chỉ từ 80-90 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với năm trước. Tuy nhiên, thị trường BĐS khả năng đến cuối năm 2024 mới có sự khởi sắc rõ nét.
Đồng Nai hiện có gần 300 dự án BĐS, trong đó có nhiều dự án lớn đang có sản phẩm chuyển nhượng, nhưng đa số thuộc phân khúc cao cấp nên rất khó tìm người mua. Trong khi nhu cầu thực ở Đồng Nai là phân khúc giá rẻ và đang cần hàng trăm ngàn căn hộ, lô đất. Nếu doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang nhà đất giá rẻ có thể giúp thị trường BĐS Đồng Nai nhanh sôi động trở lại.
Uyển Nhi