Chỉ cần một thiết bị có kết nối internet, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy được thông tin mình cần. Điều này khiến cho giới trẻ tìm đến sách báo ngày càng ít, thói quen đọc sách cũng không được duy trì thường xuyên.
Đoàn viên, thanh niên thành phố Biên Hòa tham gia cuộc thi xếp sách nghệ thuật. Ảnh: N.Sơn |
Từ thực tế nói trên, thời gian qua, đã có rất nhiều hoạt khuyến khích đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia đọc sách, từng bước hình thành thói quen đọc sách.
* Khuyến khích người trẻ đọc sách
Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) tỉnh Nguyễn Hiếu Trung cho biết, thời gian qua, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích người trẻ đọc sách, nhất là vào đợt kỷ niệm Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21-4 hàng năm.
Hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc năm nay, mới đây, Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh phối hợp với Trung đoàn cảnh sát cơ động Đông Nam Bộ tổ chức nhiều hoạt động bổ ích dành cho đoàn viên thanh niên. Ngoài cuộc thi xếp sách, tìm hiểu về các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sân khấu hóa tác phẩm văn học Việt Nam là hoạt động mới thu hút 12 đội thi đến từ các đơn vị Đoàn cấp huyện.
Theo đó, các đội lựa chọn một trong các hình thức: múa, ca múa, kịch, kịch lồng tiếng, ca kịch kết hợp… thể hiện chính xác một đoạn trích yêu thích nhất trong một tác phẩm văn học. Để làm được điều này, đòi hỏi các đội đều phải đọc, tìm hiểu kỹ về tác phẩm văn học.
Đoàn cấp huyện và cơ sở cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh thiếu nhi. Bí thư Thành đoàn Biên Hòa Nguyễn Ngọc Thảo An chia sẻ: “Chúng tôi thường tổ chức hội thi xếp sách nghệ thuật; thuyết trình cảm nhận về cuốn sách; thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách; mini game với những câu hỏi xoay quanh nội dung sách… nhằm tạo thói quen đọc sách trong đoàn viên, thanh thiếu nhi”.
Vừa qua, Huyện đoàn Định Quán đã tổ chức ngày đọc sách và tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo năm 2024 tại xã Phú Ngọc. Ngày hội có các hoạt động như: tặng thư viện số, tặng sách; thi thuyết trình cảm nhận về sách… Hoạt động này nhằm tôn vinh những giá trị của sách; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời từng bước hình thành tình yêu sách, thói quen đọc sách trong thanh thiếu nhi.
Bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN MINH KIÊN khẳng định, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin giúp con người tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng trên internet, song sách vẫn là kho tàng vô giá, kết tinh những tư tưởng tiên tiến nhất, hoài bão mạnh mẽ nhất và tình cảm tha thiết nhất của con người. |
Nhiều năm nay, thạc sĩ Phạm Thị Hương, Giám đốc Trung tâm đào tạo Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi không chỉ duy trì thói quen đọc sách để thỏa mãn niềm đam mê của cá nhân mà còn tham mưu Ban giám hiệu nhà trường tổ chức các cuộc thi thuyết trình, bình sách dành cho sinh viên; kết nối những người có niềm đam mê ủng hộ sách, truyện để tặng cho trẻ em mồ côi tại các cơ sở bảo trợ xã hội; giới thiệu điểm đọc sách thú vị mà bản thân chị từng trải nghiệm…
“Những việc tôi đang làm chưa nhiều song tôi hy vọng có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc hình thành cộng đồng yêu sách, có thói quen đọc sách” – chị Hương bộc bạch.
* Cần không gian đọc sách hấp dẫn người trẻ
Bên cạnh tổ chức các hoạt động khuyến khích đọc sách, để người trẻ có thói quen đọc sách, cần có không gian đọc sách hấp dẫn.
Theo chị Trần Lê Thảo Nguyên, sinh viên năm 4, Khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Đồng Nai, các trường từ tiểu học đến đại học đều có thư viện. Tuy nhiên, hầu hết các thư viện hiện nay đang được bày trí theo kiểu truyền thống, chưa thu hút được người đọc. Trong khi đó, công nghệ thông tin và internet ngày càng phát triển, chỉ cần một thiết bị có kết nối internet, người dùng có thể tìm đọc những cuốn sách có nội dung mà mình muốn, không đọc có thể nghe sách nói, đặc biệt là có thể đọc ở bất cứ đâu mà không cần phải mang theo sách…
Chị Thảo Nguyên cho rằng, việc lựa chọn sách giấy hay sách điện tử là tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Song để người trẻ thích đọc sách cần có không gian đọc sách hiện đại, hấp dẫn. Thư viện hiện nay phải cập nhật liên tục những đầu sách mới, có thêm hệ thống sách điện tử; trang bị thêm bàn ghế, khu tự học, wifi, máy lạnh…
Không chỉ đầu tư cho các thư viện ở trường đại học, cao đẳng mà việc này cần phải được thực hiện ở các cấp học. Theo anh Võ Văn Trung, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, nhiều năm nay, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên, Hội đồng Đội tỉnh đã phối hợp trao tặng gần thư viện thân thiện cho các trường học. Những ngôi trường được trao tặng thư viện thân thiện chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trường có đông con em công nhân lao động theo học…
“Thư viện thân thiện được chúng tôi tạo nên từ thư viện hiện có của nhà trường hoặc phòng học không sử dụng đến. Theo đó, chúng tôi tổ chức cho sinh viên tình nguyện sơn, trang trí thư viện bằng những hình ảnh và màu sắc bắt mắt. Khu vực thư viện thân thiện sẽ được lót thảm, bố trí kệ sách, bàn đọc sách, cây xanh nhằm thu hút học sinh đến thư viện vào những giờ ra chơi hoặc trong khi chờ cha mẹ tới rước” – anh Trung cho hay.
Em Ngô Gia Bảo, học sinh lớp 5/10, Trường tiểu học Phan Bội Châu, phường Long Bình (thành phố Biên Hòa), cho biết, từ khi nhà trường có phòng thư viện thân thiện, vào giờ ra chơi, em có thêm một địa điểm để lui tới thay vì chạy nhảy ngoài sân trường dưới thời tiết nắng nóng. Với em, đọc sách vừa để giải trí, vừa để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống.
Nga Sơn
Ông TRƯƠNG HẢI THI, Giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai: Gắn với “gu” của người trẻ
Đọc sách là hoạt động mang lại nhiều giá trị. Xây dựng thói quen đọc sách là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Vì vậy, thời gian qua, Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến sách, như giới thiệu sách của nhà văn Đồng Nai; trưng bày sách theo chủ đề từng tháng, sự kiện lịch sử; thực hiện tủ sách tự quản… Việc này khuyến khích các em thiếu nhi đọc sách, giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc và làm theo những điều hay từ sách.
Anh NGUYỄN VŨ HUY HOÀNG, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông Hmedia (thành phố Biên Hòa): Tạo môi trường để chia sẻ sách hay
Để hiểu được giá trị của việc đọc sách, theo tôi, trước hết phải tạo môi trường để mọi người có cơ hội đọc những cuốn sách mà mình muốn. Thêm vào đó là tổ chức các hoạt động chia sẻ sách hay để tạo sân chơi dành cho những người đọc sách. Từ đó, gắn kết, thúc đẩy tinh thần đọc sách trong mỗi cá nhân, từng bước xây dựng cộng đồng đọc sách.
Anh NGUYỄN HOÀNG PHÚC, sinh viên năm 3, Khoa kỹ thuật, Trường đại học công nghệ Đồng Nai: Tranh thủ đọc khi rảnh
Là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, ngoài việc học tôi còn đi làm thêm. Do đó, duy trì việc đọc sách hàng ngày với tôi là điều không thể thực hiện được. Tuy nhiên, tôi duy trì được cho mình thói quen đọc sách mỗi khi rảnh. Những loại sách tôi chọn đọc thường là sách về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc và các loại sách chuyên ngành. Với tôi, việc đọc sách là cách để học tập kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của tác giả trong lĩnh vực của họ.
Cẩm Tú (ghi)