Đồng Nai là tỉnh có vị trí trọng yếu ở khu vực phía Nam, trung tâm công nghiệp và phát triển đô thị. Thế nhưng, những năm gần đây việc phát triển đô thị ở Đồng Nai chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vậy, đâu là nguyên nhân để phát triển đô thị ở Đồng Nai thời gian tới trong bối cảnh hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia sắp đưa vào hoạt động trên địa bàn, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chuyên gia quy hoạch đô thị.
Công nghiệp rải khắp tỉnh là điều đáng lo
Phóng viên: Trước đây Đồng Nai được cho là “đàn anh” của Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu trong phát triển đô thị với thành phố Biên Hòa trung tâm của vùng Đông Nam Bộ (trừ Thành phố Hồ Chí Minh), thì những năm gần đây hai địa phương trên đã có sự bứt phá về phát triển đô thị và đang dần bỏ xa tỉnh Đồng Nai. Là chuyên gia quy hoạch đô thị có uy tín trong nước và quốc tế, theo ông, đâu là nguyên nhân?
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: 4 tỉnh, thành phố, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Trung ương. Cả 4 địa phương này đều phát triển công nghiệp, nhưng riêng Đồng Nai, tình hình khó khăn về phát triển công nghiệp và phát triển đô thị từ điểm nghẽn về kết nối hạ tầng. Một khi kết nối hạ tầng tốt hơn, sẽ giúp giảm giá thành vận chuyển nguyên vật liệu đến nhà máy, vận chuyển sản phẩm công nghiệp đưa đi tiêu thụ trong nước và quốc tế. Phát triển đô thị cũng vậy, rất cần có hạ tầng kỹ thuật tốt, kết nối giao thông thuận tiện và tiện ích hạ tầng xã hội đầy đủ.
Trong bối cảnh kết nối đường bộ 4 địa phương trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh đều chưa hoàn chỉnh, thì 3 tỉnh, thành phố kia vẫn có nhiều lợi thế thuận lợi hơn Đồng Nai. Bình Dương có hệ thống đường sắt tốt với ga Sóng Thần lớn nhất vùng, Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống cảng Cát Lái và Hiệp Phước thuận tiện, còn Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng biển tốt với Thị Vải – Cái Mép lớn nhất vùng.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: VietSuccess, 2024 |
Điểm nghẽn thứ hai là Đồng Nai quy hoạch phát triển công nghiệp thiếu định hướng chiến lược kết hợp tốt với phát triển đô thị bền vững. Thời gian qua, doanh nghiệp xin phát triển công nghiệp ở đâu Đồng Nai đều được hỗ trợ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đó thiếu định hướng chiến lược tốt, nên có thể gây ra thiệt hại về lâu dài cho Đồng Nai.
Xem bản đồ phân khu chức năng, có thể thấy công nghiệp đang dàn trải ra khắp cả tỉnh, chỗ nào cũng có nhà máy, khu công nghiệp. Mới nhìn tưởng đáng mừng nhưng thật ra là đáng lo, vì điều này đồng nghĩa với xe container chạy khắp cả tỉnh, không những làm tăng chi phí logistics một cách lãng phí do vận chuyển chồng chéo, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống và sự an toàn của người dân.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp ý quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn 2050. |
Tăng liên kết vùng, kết nối đa phương tiện
Phóng viên: Để đô thị Đồng Nai phát triển xứng tầm thời gian tới, ông có khuyến nghị gì với tỉnh?.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:Theo tôi Đồng Nai có rất nhiều lợi thế và tiềm năng, nhưng để khai thác được các yếu tố này, tỉnh cần có những chiến lược bảo tồn, chỉnh trang và phát triển hiệu quả hơn với tư duy đột phá.
Đầu tiên, cần tận dụng được mối liên kết hợp tác vùng và kết nối đa phương tiện. Trong đó, Đồng Nai cùng với các tỉnh, thành phố trong vùng nên thúc đẩy việc hình thành trục giao thông huyết mạch có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu trong vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Đó là hệ thống giao thông đa phương tiện (đường sắt kết hợp với đường thủy, đường bộ, đường cao tốc vành đai và hướng tâm) nối liền các khu công nghiệp tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, với các đầu mối hạ tầng trọng điểm cửa ngõ quốc gia và quốc tế của vùng là Cụm cảng Thị Vải Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), Sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), Ga Sóng Thần (Bình Dương)… thông qua hệ thống đường bộ và đường cao tốc kết nối vùng.
Cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 đang được xây dựng để kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai. |
Như vậy, trong chuỗi sinh thái kinh tế biển phía đông của vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả hàng hóa công nghiệp của 4 địa phương trên dồn ra Cảng Thị Vải – Cái Mép để xuất khẩu. Lúc này, chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ giảm nhiều, góp phần giúp kinh tế phát triển mạnh. Các đô thị đồng thời cũng có thể liên kết hoạt động du lịch, hợp tác kinh tế xã hội một cách hiệu quả hơn.
Thứ hai, tỉnh nên quy hoạch lại các khu công nghiệp dồn về một phía, tách biệt so với đô thị và kết hợp với tận dụng hạ tầng giao thông có giá thành vận chuyển rẻ là đường sắt và đường thủy, nối kết với nhau thông qua hệ thống đường bộ và đường cao tốc. Đồng Nai có thể tham khảo thêm mô hình đô thị liên hợp công nghiệp, đang được thực hiện khá thành công tại Bình Dương.
Thứ ba, phát triển đô thị trung tâm của Đồng Nai trong tương quan liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tương quan kết nối chiến lược với đô thị trung tâm của vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai có lợi thế rất lớn so với các tỉnh, thành phố trong vùng. Đó là có thể kết nối trực tiếp từ trung tâm đô thị Biên Hòa với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh qua hệ thống đường bộ cao tốc và qua tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên – Biên Hòa – Sân bay Long Thành.
Trung tâm đô thị Biên Hòa hiện nay đã quá chật chội. |
Khu vực trung tâm đô thị Biên Hòa hiện hữu đã quá chật chội nên việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành trung tâm đô thị mới và hiện đại của Đồng Nai không những bức thiết trước nhu cầu mở rộng, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Việc này giúp cho khu trung tâm mới của Biên Hòa kết nối trực tiếp qua tuyến metro số 1 với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, tạo sức hấp dẫn mà hầu như không nơi nào có được.
Tỉnh Đồng Nai nên xin cơ chế đặc thù cho vùng đô thị, giống như Nghị quyết 98 của Quốc hội đã dành cho Thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển thí điểm đô thị dọc theo không gian giao thông công cộng theo mô hình TOD.
Trong phát triển đô thị Đồng Nai cần phát triển diện tích cây xanh. |
Nói chung, để góp phần bổ sung cho nhau trong tương quan liên kết hợp tác vùng, những cái gì mà các tỉnh, thành phố trong vùng, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đang còn thiếu hoặc yếu, thì Đồng Nai cứ làm ngược lại. Đơn cử như, khi hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 0,5m2 không gian xanh/người, thì Đồng Nai nên phát triển hướng đến tiêu chí tối thiểu 10m2 không gian xanh/người.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong khi nhiều khu vực trong Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ ngập trong tương lai khi nước biển dâng, thì tỉnh Đồng Nai có thể tận dụng lợi thế ở vùng đất cao để phát triển theo định hướng đô thị không ngập.
Tích hợp quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị
Phóng viên: Riêng với phát triển đô thị sân bay Long Thành đang được tỉnh Đồng Nai tổ chức thi thiết kế quy hoạch quốc tế. Được biết, bản thân là một thành viên của Ban Giám khảo cuộc thi này, ông có ý kiến gì để quy hoạch bài bản đô thị sân bay Long Thành, tạo động lực để cùng “cất cánh” với sân bay.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Vừa qua, tôi được mời tham gia Hội đồng Giám khảo cuộc thi quốc tế thiết kế quy hoạch cho đô thị sân bay Long Thành. Quy hoạch đô thị sân bay là một nhiệm vụ khó khăn, vì chưa có tiền lệ ở Việt Nam, cho dù đây đã là một định hướng mới đang phát triển mạnh và khá thành công tại nhiều nước như: Hoa Kỳ, Singapore, Hà Lan, …kể từ đầu thế kỷ 21.
Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào tháng 9-2026. |
Cho đến nay, quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam vẫn còn đang được thực hiện tách riêng. Cụ thể, cơ quan giao thông vận tải nhận trách nhiệm chính trong việc phê duyệt quy hoạch nằm trong ranh giới các sân bay, chứ không quan tâm nhiều đến quy hoạch đô thị xung quanh sân bay.
Ngược lại, việc quy hoạch đô thị xung quanh các sân bay được chuyển về địa phương thực hiện, để sau đó thụ động kết nối với sân bay dựa theo “hiện trạng” quy hoạch sân bay đã được phê duyệt. Đây là cách làm quy hoạch không những lạc hậu, mà còn tác hại lớn về lâu dài.
Để phát triển quy hoạch đô thị sân bay tại Việt Nam nói chung và tại Long Thành nói riêng, điều khó khăn nhất hiện nay không phải là vấn đề quy hoạch thiết kế xây dựng và kỹ thuật mà là sự sẵn sàng đổi mới tư duy và ý chí quyết tâm thay đổi cơ chế cũ để phối hợp hiệu quả quy hoạch, quản lý sân bay gắn kết song hành với quy hoạch và quản lý các khu đô thị xung quanh.
Điều này, để tăng tính hiệu quả và tính khả thi của tổng thể đô thị sân bay, trong tương quan liên kết và hợp tác công tư-trong nước và nước ngoài trong nền kinh tế thị trường, hợp tác giữa hoạt động trong sân bay, hoạt động kinh tế xã hội của các khu đô thị xung quanh sân bay.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo nhandan.vn