Từ những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI có thể thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là con đường tất yếu của sự phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.
Fanpage Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai có gần 7 ngàn người theo dõi
Tận dụng ưu thế mạng xã hội để quảng bá văn hóa Đồng Nai
Sau đại dịch
covid-19, các đơn vị trực thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã
tự tìm những hướng đi riêng, nỗ lực áp dụng công nghệ mới để phát triển, tiếp
cận khán giả và đổi mới phương thức tuyên truyền. Truyền thông cho văn hóa nghệ thuật được đưa trên các
kênh truyền thông mạng xã hội nhằm mục đích đến với đúng đối tượng khán giả,
đúng thông điệp, đúng thời điểm.
Một trong những đơn vị tiên phong tạo fanpage chia sẻ thông tin để
tương tác với người hâm mộ, fanpage Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai có gần 7 ngàn
người theo dõi. Các chương trình nghệ thuật đặc sắc, vở diễn do Nhà hát
livestream, đăng tải thường xuyên nhận được nhiều lượt tương tác, bình luận và
chia sẻ. Hình thức này đã tạo cơ hội cho khán giả trên khắp mọi miền đất nước
có thể thưởng thức tác phẩm nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật chuyên nghiệp mà
không phải đến nhà hát. Phản hồi tích cực của khán giả đã cổ vũ rất nhiều cho các nghệ sĩ tiếp tục cống hiến và sáng tạo nghệ thuật.
Bà Nguyễn Việt Bắc – Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng
Nai cho biết, hàng ngày người dùng sử dụng điện thoại thông minh là có
thể lướt qua những tin tức về các thể loại nghệ thuật thông qua các nền tảng
Youtube, Zalo, Facebook, Tiktok…sử dụng các nền tảng công nghệ số trong các
hoạt động văn hóa, nghệ thuật tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của
cộng đồng, tăng cường tương tác giữa nhà hát, nghệ sĩ với khán giả. Đây cũng là
giải pháp quan trọng để lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn văn hóa truyền
thống.
“Với sự trợ giúp của mạng xã hội có thể giúp công chúng
tùy theo sở thích, tâm lý mà lựa chọn thời gian, địa điểm để tiếp nhận, không bị
bó buộc trong hình thức thưởng thức nghệ thuật, nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật
trở nên gần gũi và đi vào đời sống dễ dàng hơn. Bên cạnh fanpage, Nhà hát còn tạo ra
Nhà hát trên Youtube giúp khán giả cả nước có cơ hội thưởng thức nhiều chương
trình văn hóa, nghệ thuật hay của Nhà hát” – Bà Việt Bắc chia sẻ.
Liên hoan các nhóm nhảy hiện đại thu hút lượng tương tác cao
Song
song với các hoạt động tuyên truyền lưu động trực tiếp tại cơ sở, Trung tâm Văn
hoá – Điện ảnh tỉnh tích cực đăng tải thông tin cuộc thi, hội diễn, giao lưu
văn nghệ, hoạt động triển lãm, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cổ động……
trên fanpage với hơn 2,4 ngàn người theo dõi. Các thông tin được cập nhật liên
tục hỗ trợ cho công tác tuyên truyền trực tuyến. Những chương trình này được
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố chia sẻ và lưu
trữ sử dụng, trường học lưu file làm tư liệu giảng dạy các em học sinh tiểu
học, THCS…. Chương trình livestream trên fanpage có sức hút phải kể đến Liên
hoan các nhóm nhảy hiện đại hàng năm do Trung tâm tổ chức với những phần tranh
tài đầy hấp dẫn và kịch tính. Đây là chương trình thường xuyên nhận được lượng
tương tác rất cao, khoảng 20-30 ngàn lượt xem mỗi đêm thi, đa số là lượt like,
share từ các bạn trẻ.
Những
năm gần đây fanpage, website của Bảo tàng Đồng Nai cũng sôi động hơn nhờ các
thông tin được upload liên tục cùng các tour tham quan ảo giúp cho học sinh,
sinh viên và người nghiên cứu có thể tiếp cận các thông tin về di sản văn hoá
vật thể và phi vật thể một cách dễ dàng và chính xác. Đây cũng sẽ là chất liệu
sau này để tạo nên bảo tàng ảo. Cách tiếp cận
mới, độc đáo hơn cách trưng bày truyền thống, góp phần thu hút đông đảo người
dân tham quan, trải nghiệm. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giới thiệu
hình ảnh, con người, lịch sử, văn hoá, tiềm năng hợp tác và phát triển du lịch
của Đồng Nai đến với bạn bè quốc tế, tạo điều kiện cung cấp thông tin và sản
phẩm văn hóa của tỉnh cho kiều bào và du khách nước ngoài, góp phần gìn giữ và
phát huy truyền thống văn hóa của Đồng Nai, song song đó thông qua người Đồng
Nai đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài, quảng bá giới thiệu các giá
trị văn hóa của tỉnh đến bạn bè quốc tế một cách hiệu quả.
Định hướng và nâng cao nhu cầu hưởng
thụ văn hoá, nghệ thuật
Trang fanpage Thanh niên Văn hoá Đồng Nai
Nhằm phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng
fanpage Thư viện Đồng Nai cũng thường xuyên đăng tải các hoạt động giới thiệu
sách, tin tức…lan tỏa văn hóa đọc. Thư viện tỉnh còn tương tác cùng bạn đọc
trên nền tảng zalo, thường xuyên thông báo các sự kiện và hoạt động nổi bật đến
bạn đọc. Mạng xã hội đã góp phần đáng kể vào việc tạo lập một môi trường thư viện
năng động và linh hoạt thực sự dành cho cộng đồng và phát triển vì cộng đồng.
Trang fanpage Thanh
niên Văn hoá Đồng Nai với nhiều hình ảnh, cập nhật liên tục các thông tin về
văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình được đăng tải trên các báo chính thống
nhằm định hướng thông tin và hỗ trợ tuyên truyền tích cực cho các hoạt động của
ngành với lượng tương tác hơn 25 ngàn lượt, gần 40 ngàn lượt tiếp cận.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Bí thư Đoàn Cơ sở Sở
VHTTDL – Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh phụ
trách fanpage cho biết: “Trang fanpage được thành lập ban đầu với mục tiêu định
hướng thông tin và tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên của đoàn cơ sở Sở
VHTTDL nhằm tăng cường giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống;
nâng cao năng lực cảm thụ cho thanh thiếu niên để mỗi đoàn viên thanh niên trở
thành một đại sứ văn hóa tích cực, ứng dụng tính lan tỏa của mạng xã hội
giới thiệu một Đồng Nai ngày càng hiện đại, năng động, hội nhập nhưng vẫn giữ
được những đặc trưng văn hóa độc đáo, riêng biệt, có giá trị nghệ thuật và nhân
văn”.
Sau một thời gian hoạt động hiệu quả và nhận
được lượng chia sẻ, tương tác cao, đến nay fanpage đã được biết đến nhiều và trở
thành một kênh thông tin tuyên truyền tích cực cho ngành VHTTDL. Đặc biệt là
các thành tựu mà ngành đạt được, những
chương trình nghệ thuật đặc sắc, các gương mặt nghệ sỹ xuất sắc, thành tích của
các vận động viên thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, cảnh đẹp Đồng
Nai, gia đình trẻ tiêu biểu… đều được Ban biên tập fanpage thông tin, chia sẻ
nhanh chóng” bà Hiền nói.
Tận dụng mạng xã hội quảng
bá cho văn hóa, nghệ thuật đồng thời định hướng và nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật của người
dân, hướng tới sự nhân văn – chân – thiện – mỹ
và mục đích sau cùng là góp phần cho nền văn hóa – nghệ thuật tỉnh nhà phát triển.
Ngoài ra, truyền thông về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên mạng xã hội
cũng giúp quảng bá, giới thiệu văn hóa con người Đồng Nai đến các bạn bè trong
và ngoài nước, khơi dậy khát vọng và phát
huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Đồng Nai, nhất là trong điều kiện cách
mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trên nền tảng internet phát triển mạnh mẽ
không biên giới hiện nay./.
Hoàng Anh
Nguồn: https://svhttdl.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2989&CatId=53