* Từ đầu tháng 8-2024 đến nay, số ca bệnh sởi tại Đồng Nai bắt đầu có dấu hiệu tăng cao.
Bác sĩ chuyên khoa II LƯU VĂN DŨNG, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, từ đầu năm 2024 đến ngày 18-11, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 2.245 ca bệnh sởi, phân bổ ở cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế. Ảnh: H.D |
Số ca bệnh tiếp tục tăng cao chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
* Xin ông cho biết rõ hơn về tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?
-Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca bệnh sởi trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục gia tăng. Thời điểm này năm ngoái, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3 ca bệnh sởi, không có ca tử vong. Trong khi đó năm nay, tỉnh ghi nhận tới 2.245 ca bệnh sởi, 1 ca tử vong.
Thành phố Biên Hòa là địa phương có số ca mắc sởi nhiều nhất với 863 ca, tiếp đến là huyện Trảng Bom 452 ca và huyện Vĩnh Cửu 224 ca. So với năm 2019 là năm có dịch sởi gần đây nhất thì số ca bệnh sởi hiện tại của tỉnh cũng đã tăng 377 ca. Ngày ghi nhận nhiều ca mắc sởi nhất là ngày 3-11 với 95 ca. Từ tuần thứ 40, số ca mắc sởi bắt đầu vượt ngưỡng 100 ca/tuần. Tuần 45 là tuần có số ca mắc cao nhất với 409 ca.
* Bệnh nhân mắc sởi tập trung nhiều nhất ở độ tuổi nào, thưa ông?
Số bệnh nhân mắc sởi từ 1-10 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 67,7%. Có 8,4% trẻ từ 9 tháng tuổi đến 1 tuổi. Đáng lưu ý, đã ghi nhận 329 ca bệnh dưới 9 tháng tuổi mắc sởi (9 tháng tuổi là tuổi bắt đầu tiêm vaccine sởi mũi 1 theo quy định của Bộ Y tế), chiếm tỷ lệ 14,6%. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận hơn 200 trường hợp từ 11 tuổi trở lên mắc sởi, trong đó có 120 bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên.
* Những bệnh nhân mắc sởi đã tiêm vaccine phòng bệnh chưa?
Theo thống kê từ phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm, trong số 2.245 ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 108 ca đã tiêm vaccine có thành phần sởi (tỷ lệ 4,8%), có 2.046 ca chưa tiêm vaccine sởi (chiếm tỷ lệ 91,5%) và 91 ca không rõ tiền sử tiêm chủng (3,7%).
* Như vậy đã đủ điều kiện để công bố dịch sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa, thưa ông?
Sởi là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C.
Theo quy định, một xã được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ trong 3 năm gần nhất. Một huyện được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên. Một tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên. Đối chiếu với tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh, số ca mắc sởi rải đều ở 11 huyện, thành phố và 154 xã, phường, thị trấn. Từ thực tiễn trên, Sở Y tế đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố dịch sởi trên quy mô toàn tỉnh Đồng Nai.
Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc bệnh nhi mắc sởi đang phải thở oxy. Ảnh: Hạnh Dung |
* Nếu UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch sởi thì những việc cần làm tiếp theo để phòng, chống dịch bệnh sởi là gì?
– Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, sau khi địa phương công bố có dịch thì các địa phương cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch gồm: kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24h sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét vaccine sởi, vaccine sởi – rubella không kể tiền sử tiêm chủng vaccine có thành phần sởi trước đó cho trẻ em đang sống trên địa bàn tỉnh, ngoại trừ những trẻ vừa được tiêm theo kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Tháng 8-2024, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước công bố dịch sởi trên địa bàn toàn thành phố.
Nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh của người dân
* Tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành Chiến dịch tiêm sởi được hơn nửa tháng nhưng số ca mắc vẫn còn cao, lý do vì sao, thưa ông?
Sau Chiến dịch tiêm vaccine sởi có khoảng 80 ngàn người đã được tiêm, đạt hơn 97% tổng số đối tượng theo đăng ký của các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên số ca mắc vẫn cao.
Qua thống kê, có đến 91,5% số ca mắc bệnh chưa được tiêm vaccine, cho thấy vẫn còn sót nhiều đối tượng trong cộng đồng chưa được thống kê danh sách và tiêm vaccine sởi trong chiến dịch. Công tác tiêm chủng nói chung và Chiến dịch tiêm sởi nói riêng muốn đạt được hiệu quả cao phải quản lý tốt được đối tượng. Từ đó có cơ sở để lên kế hoạch bố trí lịch tiêm, số lượng, nhu cầu vaccine. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát đối tượng để tiêm vào các đợt tiếp theo.
Do bệnh nhân sởi đông vượt quá số giường hiện có tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nên nhiều bệnh nhân phải nằm hành lang, nằm võng, thậm chí nằm đất. Ảnh: Hạnh Dung |
* Ông có khuyến cáo gì cho người dân khi dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp?
– Người dân cần quan tâm theo dõi sát tình hình sức khỏe của người thân trong gia đình, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh sởi như sốt, nổi ban… cần cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi gây suy hô hấp, nhiễm trùng đường ruột, viêm tai giữa…
Bệnh sởi nếu nặng sẽ tốn nhiều chi phí điều trị và ảnh hưởng đến phát triển của trẻ. Những trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên nếu chưa tiêm đủ 2 liều vaccine sởi cần được đưa đi tiêm đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chúng tôi mong người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, nhất là thời điểm giao mùa như hiện nay để bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng.
* Ngành y tế có giải pháp gì để giảm số ca mắc bệnh và tử vong do sởi?
Ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, dự phòng, chuẩn bị đầy đủ hậu cần như vaccine, chuẩn bị tổ chức tiêm vaccine cho những đối tượng chưa có miễn dịch. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa chất lượng khám, điều trị bệnh để hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong do sởi.
Ngành y tế mong nhận được sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và từ chính người dân để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.
* Xin cảm ơn ông!
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, do virus gây ra, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người với tốc độ lây lan nhanh, nhất là ở trẻ em từ 1-10 tuổi. Người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.
Hạnh Dung (thực hiện)
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202411/so-y-te-tham-muu-ubnd-tinh-dong-nai-ban-hanh-quyet-dinh-cong-bo-dich-soi-tren-quy-mo-toan-tinh-7455325/