Bằng những trích đoạn cải lương mới với lối dàn dựng hiện đại, ứng dụng công nghệ số…, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã và đang tích cực đổi mới, đưa sân khấu truyền thống hướng đến chinh phục khán giả trẻ.
Một cảnh trong trích đoạn cải lương Cuộc tình oan trái được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai live stream phục vụ khán giả. Ảnh: L.Na |
Những ngày cuối tháng 7, sàn diễn sân khấu cải lương Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ra mắt nhiều trích đoạn cải lương mới phục vụ công chúng khán giả trực tuyến và trực tiếp. Các trích đoạn cải lương với thời lượng từ 20-30 phút, đều được đầu tư hấp dẫn, đặc sắc, hướng tới những chủ đề ý nghĩa.
* Đi vào câu chuyện xưa và nay
Kể về câu chuyện của những người lính bước ra từ chiến tranh, trích đoạn cải lương Sắc hoa màu nhớ (tác giả và đạo diễn Nguyễn Thanh Lựu) mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Vào vai ông Hưng – người lính mù từ chiến trường trở về cuộc sống đời thường, nghệ sĩ Thành Vinh vẫn luôn đau đáu trong tim khi nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, trong đó có cả người con gái tên là Tư Lài (nghệ sĩ Thanh Thảo) mà ông Hưng yêu thương nhất. Ông còn lập bàn thờ cho Tư Lài, suốt thời gian dài nhang khói cho bà.
Nghệ sĩ Thành Vinh cho hay, vào vai người lính già mù lòa, khác biệt với tất cả những vai người lính từ trước đến nay đã thể hiện, giúp anh hiểu thêm rất nhiều về sự khốc liệt của chiến tranh. Tình cảm đồng đội, sự hy sinh cho nhau của những người lính mang lại cho anh những cảm xúc khó tả khi vào vai. Đặc biệt là cảnh tình cờ gặp lại Tư Lài, biết bà ấy vẫn còn sống, có hạnh phúc riêng… khiến anh xúc động, vui và cảm thấy được an ủi phần nào.
Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai THÂN TRỌNG BÍCH HẠNH cho biết: “Hướng tới kỷ niệm 325 năm Biên Hòa – Đồng Nai, nhà hát đang xây dựng chương trình sân khấu hóa với thời lượng 60 phút (10 tiết mục nghệ thuật). Trong đó, có hoạt cảnh Người mở cõi và các tiết mục ca múa nhạc như: Đất phương Nam, Tiếng vọng ngàn xưa, Đồng Nai vươn tầm cao mới, Miền hội tụ…
|
Trích đoạn cải lương Hậu cung loạn lạc (tác giả Thùy Dương, chuyển thể và đạo diễn NSƯT Quế Anh) xây dựng câu chuyện về hoàng hậu Trinh Thuần (hoàng hậu của Đại Hàn đế quốc). Vì bị Vạn quý phi hãm hại, đổ tội oan nên bà bị phế truất ngôi vị, phải chạy về vùng quê nghèo sinh sống, nuôi dạy Hựu Đường (con riêng của vua Minh Hiến Tông và một nô tì) trở thành thái tử đức độ, giàu lòng nhân ái, biết yêu thương và chia sẻ.
Lấy bối cảnh của nhà Trần, trích đoạn cải lương Cuộc tình oan trái kể về công chúa Thiên Thụy (nghệ sĩ Phương Thảo đóng), con gái của Trần Thánh Tông và là chị gái của Trần Nhân Tông. Công chúa Thiên Thụy có mối quan hệ tình cảm với Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, tình yêu đó không kéo dài được lâu vì vua Trần Thánh Tông đã ban hôn Thiên Thụy công chúa cho Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn.
Tháng 10-1308, Thiên Thụy công chúa ốm nặng, Trần Nhân Tông bấy giờ là Thái thượng hoàng, đang tu trên núi Yên Tử đã đến thăm công chúa. Thượng hoàng nói: “Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay”. Ngày 3-11 cùng năm, Thiên Thụy công chúa mất. Cùng ngày hôm đó, Trần Nhân Tông cũng băng hà.
* Đáp ứng nhu cầu khán giả trẻ…
Sân khấu cải lương Đồng Nai với những nét đặc sắc trong lối hát, múa, biểu cảm, hóa trang… thời gian qua đã và đang dần thu hút được giới trẻ. Các trích đoạn cải lương được dàn dựng ngắn gọn, giữ sự chuẩn mực, hấp dẫn và “khoe” được đặc trưng của sân khấu. Nhà hát đã chủ động xây dựng các chương trình, tìm nhiều kênh để lan tỏa nghệ thuật truyền thống; đồng thời đầu tư chuyên nghiệp về phương tiện kỹ thuật, trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, ứng dụng công nghệ số nhằm truyền lửa đam mê đến khán giả.
Một cảnh trong trích đoạn cải lương Hậu cung loạn lạc được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai live stream phục vụ khán giả |
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, các trích đoạn cải lương: Cuộc tình oan trái, Bỉ ngạn thương nhớ, Hậu cung loạn lạc, Sắc hoa màu nhớ được dàn dựng trong tháng 7-2023 đang được Nhà hát công diễn trực tuyến (live stream qua Facebook của đơn vị) và đi biểu diễn ở cơ sở, phục vụ các tầng lớp nhân dân. Trong đó, Nhà hát chú trọng đến đối tượng là học sinh tiểu học, THCS và THPT, phối hợp với các trường thực hiện chương trình lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể Nam bộ vào trường học.
“Nghệ thuật cần sự đổi mới để thu hút nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là thanh thiếu niên. Với những trích đoạn cải lương mới, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, Nhà hát chú trọng lồng ghép tính giáo dục để hướng đến những giá trị tốt đẹp, tạo cho các em sự thích thú trong tìm hiểu văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc tộc, để từ đó gia tăng sự hiểu biết, đóng góp tích cực cho xã hội theo độ tuổi của mình, hướng đến chân thiện mỹ” – NSƯT Quế Anh nói.
Với nhiệt huyết và hứng khởi từ các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, nhiều người kỳ vọng, những trích đoạn cải lương mới trong năm 2023 sẽ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng. Từ đó, nhà hát khẳng định chính mình, không ngừng sáng tạo để tiếp tục có những vở diễn, trích đoạn cải lương tốt về nội dung, nghệ thuật, hòa vào dòng chảy nghệ thuật cả nước để cùng vươn ra biển lớn, quảng bá nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Ly Na
.