Âm nhạc của các dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là các làn điệu dân ca được kết tinh từ trí tuệ bao đời, mang theo giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, hiện nay âm nhạc dân gian của các DTTS trên địa bàn Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Tiết mục Cô gái đi rẫy (dân ca phát triển dân tộc Mạ) tham gia hội diễn Đàn hát dân ca ba miền tại Nghệ An. Ảnh: L.NA |
Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh thời gian qua đã và đang nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy và quảng bá nét đẹp văn hóa trong đàn, hát dân ca các DTTS đến người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
* Gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa
Từ đầu tháng 7 đến nay, Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh tổ chức luyện tập cồng chiêng, tái hiện nghi lễ truyền thống trong lễ hội Sayangva, đàn hát dân ca các dân tộc Mạ, Chơro tham gia Hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền tại tỉnh Nghệ An. Chương trình tham gia hội diễn gồm 6 tiết mục: Hòa tấu cồng chiêng dân tộc Chơro; đơn ca Cô gái đi rẫy (dân ca phát triển dân tộc Mạ); song ca Âm vang nguồn cội (dân ca phát triển dân tộc Chơro); tốp ca Ru em khi mẹ lên nương (dân ca Chơro); độc tấu Liên khúc lý Trị An và tốp ca Âm vang dòng chảy Đồng Nai (dân ca, theo điệu lý ngựa ô Nam – Bắc).
Chị Điểu Trâm – người con của đồng bào Chơro cho hay, chị rất vui và hạnh phúc khi được tham gia vào Hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền tại tỉnh Nghệ An. Với vai trò là người hát các làn điệu dân ca của dân tộc Chơro, Mạ, chị đã cùng với các nghệ sĩ, diễn viên và con em đồng bào tích cực luyện tập, biểu diễn. Tham gia hội diễn không chỉ nhắc nhở bản thân chị mà còn nhắc nhở những người trẻ là con em các dân tộc phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cha ông để lại.
Hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TTDL) phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Nghệ An tổ chức diễn ra từ ngày 1 đến 8-8 với sự tham gia của 29 đoàn nghệ thuật quần chúng. Hội diễn gồm có các thể loại: dân ca truyền thống, dân ca phát triển với các hình thức thi đàn, hát.
|
Giám đốc Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết, hội diễn năm nay Đồng Nai tham gia với chủ đề Âm vang dòng chảy Đồng Nai do NSƯT, nhạc sĩ Huỳnh Khải đạo diễn. Đồng Nai là miền đất hội tụ hơn 50 dân tộc anh em cùng sinh sống. Như những dòng sông đều chảy ra biển lớn, các câu hò, điệu lý mang âm hưởng từng vùng miền, của từng dân tộc đều chung một nguồn cội, đó là bắt nguồn từ lao động và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
“Quá trình mở cõi đất phương Nam, vùng đất Đồng Nai được hình thành và phát triển đi cùng những làn điệu dân ca của các dân tộc bản địa Chơro, Mạ, hòa cùng giai điệu mượt mà của những điệu lý, câu hò của dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Điều đó tạo cho bức tranh văn hóa Đồng Nai thật phong phú, đa dạng, đậm chất miền Đông Nam bộ gian lao mà anh dũng. Âm vang dòng chảy Đồng Nai thật hùng vĩ, nhắc nhở thế hệ sau không bao giờ quên nguồn cội, bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” – bà Thanh Tình chia sẻ.
* Góp phần quảng bá văn hóa, kết nối du lịch
Để phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS, nhất là đàn, hát dân ca, thời gian qua Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh đã tổ chức, tham gia nhiều liên hoan, hội diễn, giao lưu văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, trung tâm mở các lớp tập huấn hát dân ca cho đối tượng học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT… Qua đó, kết nối các nghệ nhân với những người trẻ trong gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa.
Đặc biệt, hòa chung với xu thế chuyển đổi số, Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể của Đồng Nai. Trong đó, trung tâm đã thực hiện các chương trình văn nghệ có sự tham gia của đông đảo bà con đồng bào các dân tộc, phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai và mạng xã hội Facebook; ứng dụng công nghệ thực tế ảo 360 thực hiện nhiều triển lãm văn hóa… góp phần quảng bá, lan tỏa văn hóa vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai 325 năm đến người dân và du khách gần xa.
Tiết mục Âm vang dòng chảy Đồng Nai (dân ca theo điệu lý ngựa ô Nam – Bắc) tham gia hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền tại Nghệ An |
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình, việc tổ chức đoàn tham gia hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền tại tỉnh Nghệ An năm 2023 là hoạt động văn hóa có ý nghĩa. Không chỉ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc của Đồng Nai mà qua hội diễn còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, kết nối và phát triển du lịch tỉnh nhà đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
“Sau hội diễn ở Nghệ An, trung tâm sẽ phát động hội thi Sáng tác lời mới dân ca Nam bộ ca ngợi quê hương con người Đồng Nai. Hội thi nhằm mục đích bảo tồn và phát triển vốn văn hóa truyền thống dân ca Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng, phổ biến, tập luyện để tham gia các chương trình, hội diễn đàn, hát dân ca toàn quốc khi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TTDL) tổ chức” – bà Thanh Tình nhấn mạnh.
Ngày 30-7, Trung tâm Văn hóa – điện ảnh tỉnh tổ chức diễn báo cáo Hội đồng nghệ thuật Sở VH-TTDL chương trình tham gia hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền tại Nghệ An. Với 6 tiết mục hòa tấu, độc tấu, đơn ca, song ca, tốp ca, chương trình được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, có nhiều sáng tạo, đổi mới, kết hợp được giữa hình thức dân ca và hiện đại. |
Ly Na
.