Chiều 24-5, Báo Đồng Nai phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa tổ chức Tọa đàm với chủ đề: Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, huy động nhân dân thành phố Biên Hòa xây dựng văn minh đô thị.
Tổng biên tập Báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: HuyAnh |
Nhiều trăn trở từ thành phố đông dân
Biên Hòa là đô thị loại I với trên 1,2 triệu dân. “Gánh” trên vai nhiều trọng trách khi là thành phố trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh nhưng hạ tầng đô thị của Biên Hòa lại chưa tương xứng. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng văn minh đô thị luôn thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là những người yêu mến mảnh đất có lịch sử phát triển trên 325 năm này.
Tổng biên tập Báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn bày tỏ trăn trở, với chiều dài lịch sử phát triển, thành phố Biên Hòa được kỳ vọng sẽ có một diện mạo đô thị hiện đại, văn minh, sáng – xanh – sạch – đẹp. Dù có nhiều cố gắng, đô thị Biên Hòa hiện vẫn chưa phát triển xứng tầm; hạ tầng đô thị, mỹ quan thành phố đã và đang đặt ra khá nhiều áp lực cho chính quyền địa phương.
Trong rất nhiều khó khăn, đáng mừng là thời gian qua, đã có những điểm sáng trong xây dựng đô thị văn minh, hiện đại ở Biên Hòa. Thành phố đã có thêm những công trình có thể tạo điểm nhấn về văn hóa, thể thao, trở thành điểm đến thu hút người dân. Biên Hòa cũng đã kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng trái phép; vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường; xả rác không đúng nơi quy định…
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG cho rằng, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể đối với Biên Hòa. Đề nghị lãnh đạo thành phố Biên Hòa nghiên cứu kỹ nội dung các bài tham luận trong kỷ yếu cũng như các ý kiến trình bày tại tọa đàm để có thể áp dụng giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho thành phố.
Với tất cả tình cảm và trách nhiệm mong muốn Biên Hòa ngày càng phát triển xứng tầm, Báo Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Qua đó, làm sâu sắc hơn những kinh nghiệm, bài học; những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; đưa ra những giải pháp mới, có tính khả thi cao, góp phần chung tay vì Biên Hòa phát triển.
Phó chủ tịch UBND phường Quyết Thắng Đặng Công Bình cho biết, Quyết Thắng là phường trung tâm với nhiều tuyến đường quan trọng gắn với các cơ quan, đơn vị của tỉnh, hoạt động kinh doanh đông đúc. Chính vì vậy, phường đang quyết liệt giải quyết những tồn tại, hạn chế để đường thông, hè thoáng. Để làm được điều này, trước hết cần đề cao vai trò, trách nhiệm của Đảng ủy, UBND phường; từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu để người dân làm theo.
Không nằm ở trung tâm thành phố nhưng phát triển đô thị ở phường Trảng Dài lại có những khó khăn riêng. 30 năm trước, Trảng Dài chỉ có 9 ngàn dân, nhưng đến nay đã tăng lên trên 120 ngàn dân (chiếm 10% dân số thành phố). Những bất cập về quy hoạch, đầu tư hạ tầng và quản lý đô thị đang là thách thức trong việc tạo lập cuộc sống có mức độ hài lòng cao cho người dân.
Chủ tịch UBND phường Trảng Dài Nguyễn Thành Dân mong mỏi: “Phường Trảng Dài rất cần một quy hoạch, kế hoạch đầu tư đồng bộ cho giao thông, hệ thống cấp thoát nước và nước sạch để bộ mặt phường khang trang hơn”.
Kỳ vọng vào những đột phá
Trưởng phòng Quản lý đô thị Biên Hòa Nguyễn Thanh Phú thẳng thắn nhìn nhận, việc giải quyết những bất cập về hạ tầng đô thị thời gian qua đã được nhìn nhận, đánh giá. Trong đó có những bất cập về quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông đô thị; tình hình kẹt xe, ngập nước cục bộ ở một số điểm; thiếu các thiết chế văn hóa phục vụ người dân. Những bất cập của Biên Hòa sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng có thể tin tưởng và kỳ vọng vào những bước đột phá mới khi tỉnh đang quan tâm đầu tư cho Biên Hòa nhiều hơn.
Ông Nguyễn Thanh Phú cho biết, cùng với sớm hoàn chỉnh quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, nhiều dự án đang được quyết liệt triển khai như: Dự án Đường ven sông Đồng Nai, Đường ven sông Cái, Đường trục trung tâm thành phố, Cầu Thống Nhất, Hương lộ 2. Đặc biệt, thành phố đang kỳ vọng vào những dự án lớn như: Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Xây dựng Khu đô thị Hiệp Hòa, sắp tới Biên Hòa còn có Dự án Cảng hàng không Biên Hòa…
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu truyền thông về môi trường cho rằng, Biên Hòa là đô thị loại I nhưng phát triển chưa xứng tầm, nhiều tiêu chí còn thấp và thiếu điểm nhấn. Các chuyên gia và nhà khoa học cho rằng, cần tham khảo kinh nghiệm phát triển của nhiều đô thị tại Việt Nam và xa hơn là một số nước trong khu vực.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Biên Hòa cần định vị cho mình một “slogan” về định hướng phát triển và nhất định phải là “Thành phố xanh”. Phải tiếp tục nâng cao tỷ lệ cây xanh còn quá thấp hiện nay lên một con số lớn hơn gấp nhiều lần, phát triển đô thị phải gắn liền với phát triển cây xanh, công viên cây xanh, bởi hệ thống công viên của Biên Hòa hiện nay vừa thiếu, vừa nhỏ và tập trung ở những phường trung tâm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng góp ý về chiến lược xây dựng Biên Hòa trở thành thành phố có mức độ phát sinh carbon thấp theo xu hướng phát triển của thế giới. Giải pháp là chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp sang thương mại dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao; tăng cường sử dụng năng lượng xanh, đồng thời phải gắn với bảo tồn văn hóa di sản theo hướng phát triển bền vững.
PGS-TS Huỳnh Văn Tới, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, đều thống nhất quan điểm con người chính là yếu tố quan trọng để phát triển đô thị Biên Hòa văn minh – xanh – sạch – đẹp. Vì vậy, phải kiên trì nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó sẽ điều chỉnh hành vi ứng xử với đô thị.
Công Nghĩa