Trung tâm văn hóa, thể thao (VHTT) – học tập cộng đồng và nhà VHTT ấp, khu phố là những thiết chế văn hóa ở cơ sở có nhiệm vụ chăm sóc đời sống tinh thần cho người dân. Thời gian qua, các thiết chế văn hóa này đã phát huy được vai trò của mình trong việc tổ chức nhiều hoạt động VHTT, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Có thể nói, Đồng Nai là địa phương rất quan tâm đến hoạt động VHTT ở cơ sở. Cách đây hơn 20 năm, tỉnh đã đặt ra mục tiêu phải “phủ kín” các thiết chế văn hóa ở địa bàn dân cư, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn để tổ chức đa dạng hoạt động VHTT phục vụ nhu cầu của bà con. Đặc biệt, ở những địa phương tập trung đông đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh còn đầu tư xây dựng nhà văn hóa của đồng bào nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng.
Chính nhờ mục tiêu đúng đắn này mà đến nay, ở tất cả các địa phương trong tỉnh đều xây dựng được trung tâm VHTT – học tập cộng đồng và nhà VHTT ấp, khu phố. Nhiều thiết chế duy trì được hoạt động thường xuyên, trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng người dân rất yêu thích. Trong đó có những thiết chế văn hóa đã huy động thêm được nguồn lực xã hội hóa để tổ chức đa dạng hoạt động, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có nguồn kinh phí được cấp hàng năm cho các thiết chế còn hạn hẹp, năng lực đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở hạn chế, một số thiết chế VHTT xây dựng xa khu dân cư… đã khiến cho hoạt động của thiết chế văn hóa gần dân nhất này vài năm trở lại đây không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Thậm chí, không ít thiết chế hoạt động cầm chừng, rơi vào tình trạng xuống cấp, hoang phế, lãng phí nguồn lực. Nhiều thiết chế cả năm không tổ chức được chương trình nào để thu hút nhân dân…
Vấn đề này đã nhiều lần được lãnh đạo tỉnh đề cập trong các cuộc họp, đồng thời yêu cầu ngành văn hóa cùng các địa phương phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng để từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các thiết chế VHTT cơ sở. Hoặc khi cần thiết, có thể chấm dứt hoạt động của các thiết chế này để tránh gây lãng phí và tìm hướng đi mới phù hợp hơn trong việc tổ chức hoạt động VHTT ở cơ sở, nhất là việc huy động được các nguồn lực cùng chung tay góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở địa bàn dân cư.
Minh Ngọc
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202501/phat-huy-gia-tri-thiet-che-van-hoa-the-thao-co-so-7e56446/