Ngày 27-11, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 27-11. Ảnh: quochoi.vn |
Trong ngày, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đóng góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) bày tỏ sự quan tâm về trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động. Theo đó, cần quy định rõ hơn về việc đóng, hưởng của người lao động, chế độ hưởng lương hưu… Đại biểu cho rằng, cần xem xét sửa đổi quy định về chế độ đóng và hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động và nguyên tắc bình đẳng có đóng, có hưởng.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Luật Bảo hiểm xã hội đã được thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu là 15 năm nên trong trường hợp này, người lao động tham gia 144 tháng xong nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sau đó quay trở lại thị trường lao động thì vẫn bảo đảm điều kiện nghỉ lương hưu sau này.
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ bản thống nhất với việc sửa đổi Luật Việc làm. Đồng thời, nêu nhiều vấn đề thực tiễn để củng cố cơ sở, lập luận về tính khả thi của các chính sách về hỗ trợ việc làm; việc nghiên cứu, rà soát các đối tượng; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; thông tin thị trường lao động; mức đóng bảo hiểm thất nghiệp…
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan, các nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động… để bảo đảm tính minh bạch, khả thi của dự thảo luật.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị cần chú trọng quán triệt đổi mới trong phương pháp xây dựng pháp luật trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật; kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề phát sinh; phấn đấu đến Kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua dự thảo luật này với chất lượng cao nhất.
* Trong ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai có 2 đại biểu Trịnh Xuân An và Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu ý kiến tại hội trường về nội dung này.
P.V (tổng hợp)
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202411/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-phan-dau-ky-hop-thu-9-se-thong-qua-du-thao-luat-viec-lam-sua-doi-voi-chat-luong-cao-nhat-10b0f5a/