Tình hình khô hạn gay gắt đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai; đặc biệt là một số vùng thiếu các công trình thủy lợi, sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước giếng khoan tại các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc…
Dự án trạm bơm La Ngà (huyện Định Quán) sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024. Ảnh: Bình Nguyên |
Ngành nông nghiệp, các đơn vị quản lý hồ chứa, công trình thủy lợi đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng chống khô hạn trong sản xuất nông nghiệp.
* Khô hạn kéo dài
Mùa khô năm 2024 nắng nóng gay gắt hơn thường kỳ. Mọi năm, trong mùa khô vẫn có mưa trái mùa rải rác nhưng suốt hơn 3 tháng đầu năm 2024 đến nay nhiều địa phương không xuất hiện trận mưa nào. Nước tại nhiều hồ, đập, kênh mương trên địa bàn tỉnh cũng cạn sớm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều cánh đồng lúa, cây hàng năm và vườn cây ăn trái lâu năm trên địa bàn tỉnh đều phải lo chống hạn.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tiếp tục theo dõi, hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh trong sản xuất vụ đông xuân, gắn với công tác tích trữ, điều tiết nguồn nước từ các công trình để phục vụ sản xuất theo kế hoạch. Khuyến khích nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống cây trồng tại các vùng sản xuất có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô. |
Nông dân xã Gia Canh (huyện Định Quán) hiện đang gồng mình chống hạn. Theo Chủ tịch UBND xã Gia Canh Đào Ngọc Ánh, trên địa bàn xã có các cánh đồng lúa và trồng cây hàng năm với diện tích hơn 700 hécta nhưng đến nay chưa có công trình thủy lợi nào đi vào hoạt động. Sản xuất nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời và nguồn nước ngầm. Mùa khô năm nay, tình hình khô hạn gay gắt ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Hiện nhiều khu vực đồng lúa, trồng cây ăn trái bị hụt nước tưới nên nông dân phải khoan sâu hơn các giếng khoan hiện có để có nước tưới cứu cây trồng. Ngay cả hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung cung cấp nước cho hơn 40 hộ người dân tộc tại ấp 9, xã Gia Canh lấy từ nguồn nước ngầm cũng bị hụt nước nên bà con bị thiếu nước sinh hoạt.
Đây cũng là khó khăn chung của nông dân nhiều địa phương trong tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thanh, nông dân trồng tiêu tại xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) cho biết, mùa khô năm nay thời tiết nắng nóng gắt kéo dài mà hầu như không có mưa trái mùa như mọi năm. Nguồn nước giếng khoan bị cạn sớm hơn nên nhiều nông dân phải khoan giếng sâu hơn, canh bơm nước đêm để tưới cho vườn tiêu. Nông dân rất lo lắng tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời gian tới, cây trồng bị ảnh hưởng vì không đủ nước tưới.
Cùng nỗi lo, bà Đồng Thị Hường, hộ nuôi cá ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) so sánh, mặt nước ao hồ trên địa bàn xã bị cạn hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Do đó, nhiều gia đình nuôi thủy sản trên địa bàn xã phải điều chỉnh mùa vụ, chỉ thả 1 vụ cá/năm chứ không làm 2 vụ như trước.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai, tính đến cuối tháng 2-2024, mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh do công ty quản lý thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, dung tích của hồ Cầu Mới tuyến V hiện đạt 4,97 triệu m3 (thấp hơn 1 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2023); hồ Cầu Mới tuyến VI đạt 15 triệu m3 (thấp hơn 1,4 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2023); hồ Sông Mây đạt hơn 5,5 triệu m3 (thấp hơn gần 5 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2023)…
* Chủ động ứng phó
Dự báo tình hình khô hạn, nắng nóng của mùa khô năm 2024 sẽ kéo dài và gay gắt hơn mọi năm, ngay từ cuối năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 8/CT-UBND về việc chủ động triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 trên địa bàn Đồng Nai.
Chỉ thị yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, xây dựng kế hoạch điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi…
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 139 công trình thủy lợi đang hoạt động với tổng năng lực phục vụ tưới, tiêu vụ khoảng 63,8 ngàn hécta. |
Ngay trong cuộc họp giao ban của ngành nông nghiệp vào đầu năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương và các đơn vị liên quan cần tập trung đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ đông xuân; chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn trái lâu năm chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới. Đồng Nai có diện tích rừng khá lớn nên cần quản lý, theo dõi thường xuyên để không để xảy ra nguy cơ cháy rừng trong mùa khô.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh cho hay, ngành nông nghiệp đang ứng dụng đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện tiết kiệm nước, đảm bảo sản xuất trong mùa khô. Cụ thể, trong vụ đông xuân, những địa phương thường xảy ra hạn, mặn chủ động gieo trồng những giống lúa ngắn ngày hơn hoặc có khả năng chống chịu hạn, mặn. Ở Đồng Nai, ứng dụng giống lúa ST24, MTL 110 có khả năng chịu mặn cao trong sản xuất ở huyện Nhơn Trạch và giống lúa bản địa được phục hồi như Ba Xe ở Tân Phú. Về giống bắp, trên địa bàn tỉnh đã thay đổi cơ cấu giống, tăng tỷ lệ các giống thích ứng với điều kiện thâm canh, nhất là các giống chịu mặn như M6, bàu tép; các giống chịu phèn như Tép lai; các giống chịu hạn như CH2, CH3, CH5, CH133…
Về giống cây trồng khác, tại những vùng mà nguồn nước sản xuất khan hiếm, nông dân ưu tiên chọn trồng những cây trồng chịu được khô hạn như điều, ca cao. Trong đó, phục tráng nhiều giống bản địa, sử dụng giống bản địa làm gốc ghép, giống lai chống chịu điều kiện hạn, mặn…
Ngành nông nghiệp cũng chủ động triển khai đồng bộ việc quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất, tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn và áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trong quá trình canh tác. Hiện Đồng Nai đã ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng gần 59,8 ngàn hécta, chiếm gần 31,3% so với tổng diện tích cây trồng chủ lực của tỉnh có nhu cầu tưới.
Đến nay, tuy lượng nước tại nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân năm 2023-2024. Ông Lê Xuân Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai cho biết thêm, giải pháp phòng chống hạn được công ty chủ động triển khai ngay từ đầu mùa khô. Doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước tối đa, tận dụng các nguồn nước có sẵn tại nội đồng, hạn chế sử dụng nước ở hồ chứa, chỉ sử dụng nước ở hồ chứa ở những vùng ruộng cao và những khoảng thời gian không mưa hoặc ít mưa.
Tính đến thời điểm này, lượng nước tại các hồ chứa do công ty quản lý hầu hết vẫn đủ nước để phục vụ sản xuất. Chỉ riêng trên địa bàn huyện Tân Phú, người dân sản xuất thêm vụ đông xuân muộn từ tháng 1-2024 đến tháng 4-2024, khả năng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước vào giữa vụ Đông Xuân muộn, nhất là ở công trình đập Năm Sao (khoảng 210 hécta) và đập Đồng Hiệp (khoảng 750 hécta). Dự báo, thời gian bơm tưới chống hạn tại đập Đồng Hiệp từ 60-80 ngày, đập Năm Sao từ 20-40 ngày. Công ty đã có giải pháp điều tiết nước, bố trí máy bơm đảm bảo nguồn nước tưới cho các cánh đồng trên.
Về tình hình xâm nhập mặn, hiện chủ yếu xảy ra ở công trình Ông Kèo, đập Bà Ký (huyện Nhơn Trạch). Đơn vị thường xuyên quan trắc nước mặt ngoài sông tại cống Phước Lý, cống cầu Kê trước khi lấy nước vào trong đồng, chỉ lấy nước vào đồng khi độ mặn ở dưới mức cho phép là 0,2%.
Bình Nguyên